Thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đã điểm mặt nhiều dự án giao thông chậm tiến độ và yêu cầu xử lý trách nhiệm các bên có liên quan. Việc thi công ì ạch của một số dự án đã làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người dân.
Mới đây, Sở GTVT đã có báo cáo UBND TP về dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy (TP.Thủ Đức) và đề nghị thanh tra toàn diện dự án này.
Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến nút giao thông Mỹ Thủy) dài 2,8km, khởi công từ tháng 2/2020 với vốn đầu tư khoảng 42 tỷ đồng. Dự án mở rộng mặt đường thêm 7m, tăng thêm 2 làn xe, ban đầu dự kiến hoàn thành sau 9 tháng khởi công.
Khi hoàn thành, đường Đồng Văn Cống sẽ có 10 làn xe ô tô và 2 làn xe máy, giúp giảm ùn tắc, tai nạn giao thông khu vực Cát Lái. Tuy nhiên, đến nay, công trình đã chậm hơn khoảng 27 tháng so với tiến độ đề ra, nhà thầu thi công đã tạm ngưng thi công từ tháng 6/2022. Việc chậm trễ hoàn thành công trình gây lãng phí ngân sách.
Theo chủ đầu tư, công trình chậm trễ do gặp một số khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai như xử lý nền đất yếu, cần thêm giải pháp kỹ thuật khiến khối lượng thi công tăng. Trong khi đơn giá thanh toán phần phát sinh bị vướng mắc nên dự án chưa thể hoàn thành như kế hoạch.
Theo đó, chính quyền thành phố yêu cầu chủ đầu tư phối hợp các bên giải quyết vướng mắc để thi công trở lại trước ngày 15/2, nhưng hiện chưa tiến triển. Vì vậy, Sở GTVT đã đề nghị thanh tra toàn diện dự án.
Một dự án khác là dự án Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương dài hơn 11 km do Ban Quản lý đường sắt đô thị làm chủ đầu tư. Dự án gồm một ga trên cao, 9 ga ngầm với tổng mức đầu tư 47.900 tỷ đồng.
Nếu đi vào hoạt động, giai đoạn một, metro số 2 chở được 140.000 hành khách mỗi ngày, giai đoạn hai đạt khoảng 400.000 khách. Tuy nhiên, dự án cũng phải xin dời lịch hoàn thành từ thời mốc thời gian là năm 2016, sau đó dời sang năm 2030, nhưng hiện chưa khởi công.
Mới đây, UBND TP HCM yêu cầu Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm do tiến độ thẩm định, phê duyệt, thiết kế dự toán bồi thường di dời đã rất chậm trễ, ảnh hưởng tiến độ dự án.
Hiện, việc giải phóng mặt bằng ở dự án đang được triển khai, tổng diện tích giải tỏa hơn 251.000 m2 với 586 trường hợp bị ảnh hưởng. Trên tuyến đường Cách Mạng Tháng 8, nơi tuyến metro đi qua, nhiều hộ dân đã bàn giao mặt bằng, cải tạo xong nhà từ hai năm nay.
Cũng trên con đường này, một vài nhà chưa bàn giao mặt bằng cho tuyến metro. Đến nay, tỷ lệ bàn giao dự án mới hơn 85%, trong đó vướng mắc chính ở quận 3 do hệ số giá đất mới chưa được duyệt, một số hộ dân chưa chấp nhận giá bồi thường.
Ngoài vướng mắc mặt bằng, quá trình điều chỉnh dự án trước đây kéo dài nên từ tháng 10/2018, hợp đồng tư vấn cho tuyến metro tạm dừng. Điều này dẫn đến các công việc quan trọng như gia hạn các khoản vay, vay mới từ nhà tài trợ, đấu thầu các gói thi công bị chậm trễ bởi điều kiện thực hiện phải có tư vấn.
Ngoài ra, một dự án khác cũng chậm tiến độ là hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) khởi công năm 2020, tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng (giai đoạn 1), là công trình trọng điểm giảm tải áp lực giao thông khu vực phía Nam thành phố.
Công trình gồm hai hầm ở mỗi chiều đường Nguyễn Văn Linh, mỗi hầm dài 456 m, ba làn xe, vận tốc 60 km/h; phía trên làm đảo tròn cùng các nhánh rẽ. Hầm chui ban đầu dự kiến xong 6/2022 nhưng bị dời vào quý 4/2023.
Dự án này cũng bị UBND TP nêu chậm tiến độ và yêu cầu Sở Xây dựng chịu trách nhiệm. Trước đó vào tháng 9/2022, dự án còn bị đình chỉ vì quá trình thi công làm hư hỏng mặt đường nhưng chậm khắc phục.
Đến nay, khối lượng thi công công trình đạt khoảng 34%, trễ tiến độ do công tác di dời hạ tầng kỹ thuật thực hiện chậm. Bên trong công trình hiện chỉ còn vài người trông coi, hạn chế thi công, vật liệu xây dựng chất ngổn ngang, hai đầu hầm chui đều ngập nước.
Vừa qua, UBND TP.HCM đã thống nhất danh mục 33 dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố năm 2023. Sở GTVT TP.HCM cho biết, danh mục các dự án, công trình giao thông trọng điểm năm 2023 được ban hành nhằm theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện. Các đơn vị báo cáo kịp thời khó khăn, vướng mắc từng dự án để UBND TP chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ nhằm đảm bảo dự án thực hiện theo đúng tiến độ yêu cầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.