Qua mùa nước son (khoảng từ tháng Sáu, tháng Bảy, khi lớp lớp phù sa cuồn cuộn đổ về thành mùa nước son đỏ quạch), cùng với những ngày mưa già trên vùng châu thổ là mùa nước nổi. Trong lòng người dân Nam bộ, hình như cái tên gọi “mùa lũ” vẫn còn lạ lẫm bởi con nước từ trên đổ về phía hạ nguồn vẫn dâng lên từng bước cho đến lúc khắp nơi con nước trên sông rạch tràn trề miên man.
Tôi nhớ cách đây chỉ vài chục năm thôi, cư dân theo nghề hạ bạc vẫn vui vẻ đón mùa nước về với hy vọng cuộc mưu sinh những ngày này sẽ khấm khá hơn, sẽ thêm chút thu nhập. Đó cũng là lúc cá linh về trắng chợ, đầy sông. Làm sao quên được mùi vị ngọt thơm, béo ngậy của nồi cá linh non nấu ngót nhúng bông điên điển rực vàng mà bà con chống xuồng đi tuốt từng cụm thả vào khoang cho đến khi đầy ắp. Có người còn nói sống ở đồng bằng Nam Bộ mà chưa ăn được món này thì coi như uổng phí cả cuộc đời.
Cá linh và bông điên điển- đặc sản mùa nước nổi Nam Bộ. ảnh Đ.K)
Quả có một thời những mùa nước nổi hàng năm đem nước về tưới tắm cho ruộng đồng rồi khi rút đi đã để lại lớp lớp phù sa màu mỡ cho vườn tược xanh mướt, sum suê. Nếu gọi đây là mùa lũ thì đó cũng là cơn lũ lành mà cư dân xứ này bao đời biết sống chung hòa bình với nó.
Mấy năm gần đây nào là đắp đê bao chống lũ, nào là xây đập thủy điện và bao nhiêu thứ khác nữa, mùa nước nổi mỗi năm dường như ngày càng cạn nước, héo hắt. Lưu lượng nước bất thường, lên xuống không đều khiến những người sống bám vào sông nước càng ngày càng thoi thóp, khốn đốn.
Còn nhớ những năm cá nhiều đến nỗi mỗi ký mua tại ghe chỉ có 5.000 đồng, lên sạp thì được 10.000 đồng. Buồn nhất là những nồi lẩu cá linh bây giờ có khi phải ăn cùng bông điên điển trồng làm giảm đi biết mấy mùi vị của món ngon mùa nước nổi này. Bởi giờ làm gì có điên điển mọc hoang khắp nơi, ngày thường khô cằn, chỉ đợi nước về là ra bông rực vàng, mỗi lần tuốt xuống cả ôm, ăn không hết như ngày xưa. Có phải mọi thứ rồi mỗi ngày mỗi xa?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.