Những tấm gương giáo dân sống tốt đời đẹp đạo ở Thanh Oai: Dỡ nhà, bếp... làm đường nông thôn mới (Bài 2)

Hải Đăng - Phương Trang Thứ sáu, ngày 04/11/2022 13:09 PM (GMT+7)
Khi được chính quyền địa phương vận động, hàng chục hộ gia đình công giáo ở xóm Nhà Thờ, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đưa nhau hiến đất, tiền, có hộ còn sẵn sàng phá tường, dỡ nhà, công trình phụ... để làm đường nông thôn mới.
Bình luận 0

Giáo dân ở xóm Nhà Thờ góp tiền, phá tường nhà, công trình phụ để nhà nước làm đường nông thôn mới.

Người dân đoàn kết góp sức mở đường

Dẫn chúng tôi dạo quanh đường xóm Nhà Thờ, ông Phan Xuân Hằng, Chánh trương giáo xứ Phương Trung tự hào: Trước đây, đường xóm còn gồ gề đất đá, nhỏ hẹp bà con đi xe đạp cũng khổ. Nhờ bà con giáo dân trong xóm đồng lòng góp sức làm lại giờ đường rộng, bê tông hóa ai cũng phấn khởi.

Ông Hằng cho biết, thời điểm 2017 địa phương có chủ trương nâng cấp lại đường xóm, khi ấy ông Hằng là Trùm trưởng giúp việc cho giáo xứ nên cùng cán bộ xóm vào cuộc ngay. 

Người công giáo phải kính chúa yêu nước, muốn bà con tin và nghe theo thì trước tiên mình phải làm được. Từ suy nghĩ đó nên ông Hằng đã đi đầu vận động gia đình góp 1,2 triệu đồng/khẩu, phá tường rào, hiến đất mở đường. "Tôi đưa chuyện bàn với gia đình, ai cũng vui vẻ đồng ý nên mọi việc bắt đầu rất thuận lợi", ông Hằng nhớ lại.

Những giáo dân tiên phong sống tốt đời, đẹp đạo ở Thanh Oai: Phá nhà, bếp... làm đường nông thôn mới (Bài 2) - Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện Thanh Oai ở thôn Tây Sơn, xã Phương Trung cũng hiến trên dưới 60m2 đất vườn để địa phương kè đê ổn định dòng chảy sông Đáy.

Đem của nhà mình góp xong, ông Hằng đến từng hộ giáo dân trong xóm tuyên truyền, vận động bà con đều đồng lòng làm theo. "Thời điểm đó, nhiều hộ còn khó khăn nhưng ai cũng tự nguyện, đồng lòng góp sức, có hộ chỉ góp vài mét nhưng cũng có hộ dỡ cả xà cột, tường nhà, bếp... 

Như hộ gia đình Phạm Văn Bỉnh tháo xà, tường nhà; ông Phan Xuân Hương phá nhà tắm, vệ sinh; ông Nguyễn Tiến Khiết cắt nhà tắm, bếp... để làm đường.

Riêng tính tiền mặt, cả xóm có khoảng 650 khẩu góp được gần 1 tỷ đồng để mua sắm vật liệu xây dựng, thua máy móc, thiết bị.... Người dân lại đoàn kết góp ngày công làm đường. Khoảng cuối năm 2017, công trình chính thức hoàn thành trong niềm hân hoan, phân khởi của bà con xóm Nhà Thờ.

Những giáo dân tiên phong sống tốt đời, đẹp đạo ở Thanh Oai: Phá nhà, bếp... làm đường nông thôn mới (Bài 2) - Ảnh 3.

Đường xóm Nhà Thờ được các giáo dân trong xóm góp sức làm khang trang hơn.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Xuân Hương, giáo dân ở xóm Nhà Thờ cho biết, dỡ nhà là chuyện đại kỵ nhưng vì việc chung, nghĩa lớn chúng tôi vẫn sẵn sàng đóng góp mọi thứ để làm đường.

"Trước xóm chỉ có 1 lối nhỏ, hẹp không có mương rãnh nên cứ mưa là đường lại ngập, lầy lội nhưng giờ có đường mới rộng hơn, có mương thoát nước ngầm rất sạch sẽ, khang trang", ông Hương nói.

Ông Hằng cho biết thêm, sau khi sửa, làm xong công trình đường xóm, đầu năm 2018, các hộ trong xóm lại góp sức cùng cựu chiến binh trong thôn xây dựng mái đê trạm bơm, vườn hoa và khuôn viên nhà thờ. Trong đó, có công trình sửa lại vườn thánh trị giá khoảng 200 triệu đồng.

Ở bên cạnh xóm Nhà Thờ, gia đình ông Phạm Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện Thanh Oai ở thôn Tây Sơn, xã Phương Trung cũng hiến trên dưới 60m2 đất vườn để địa phương kè đê ổn định dòng chảy sông Đáy.

"Trước chưa có kè, mỗi khi có mưa lũ dòng sông Đáy hung dữ tàn phá hoa màu, nhà cửa hai bên bờ. Đến giờ có bờ kè, sông chảy hiền hòa, mọi người được an toàn, cây trồng xanh tốt, bội thu mình cũng mừng", ông Dũng nói.

Những giáo dân tiên phong sống tốt đời, đẹp đạo ở Thanh Oai: Phá nhà, bếp... làm đường nông thôn mới (Bài 2) - Ảnh 4.

Đường xóm Nhà Thờ được bê tông hóa, rộng thoáng hơn trước.

Luôn đứng đầu các phong trào

Về đóng góp của giáo dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, Ông Phạm Văn Toàn - Bí thư Đảng ủy xã Phương Trung cho biết: “Mặc dù cuộc sống chưa thật sự khá giả nhưng giáo dân trên địa bàn xã luôn có ý thức, trách nhiệm cao trong việc góp tiền, góp công, góp đất để cải tạo, nâng cấp đường làng, ngõ xóm... xây dựng nông thôn mới.

Qua đó góp phần đưa xã Phương Trung về đích sớm từ 2016. Xã đang phấn đấu cán đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.

Hiện nay, riêng thôn Tây Sơn (nơi sinh sống tập trung của đồng bào công giáo) đã bê tông hóa hàng nghìn m2 đường ngõ, xóm; hàng chục hộ dân đã hiến đất ở để mở rộng mặt cắt đường thôn từ 1,5m lên 3,5m. Điển hình phong trào hiến đất làm đường ở thôn Tây Sơn là các hộ: Phan Xuân Hằng, Nguyễn Tiến Cường, Nguyễn Tiến Khiết, Nguyễn Thị Diệp, Phạm Thị Hải...

Những giáo dân tiên phong sống tốt đời, đẹp đạo ở Thanh Oai: Phá nhà, bếp... làm đường nông thôn mới (Bài 2) - Ảnh 5.

Từ khi có đường rộng, người dân xóm Nhà Thờ lưu thông, đi lại, làm ăn cũng thuận tiện hơn.

Bên cạnh đó, các phong trào về văn hóa, an ninh trật tự... ở thôn Tây Sơn luôn đứng đầu ở xã. Bà con giáo dân ở Tây Sơn đều thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Sống tốt đời đẹp đạo”; Hằng năm các hộ gia đình công giáo ở đây đều đã đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa, Gia đình công giáo gương mẫu, ông bà mẫu mực, con cháu chăm ngoan để đạt “Xứ họ đạo tiên tiến”. 

Phát huy truyền thống “Tương thân, tương ái”, giáo xứ Phương Trung còn vận động giáo dân đóng góp, ủng hộ số tiền lớn cho quỹ khuyến học; quỹ thăm hỏi, hỗ trợ hộ nghèo, đồng bào bị thiệt hại do thiên tai…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem