Niềm tin về thế hệ lãnh đạo mới

Lê Thọ Bình Chủ nhật, ngày 14/02/2021 06:00 AM (GMT+7)
Trong bất kỳ giai đoạn nào của của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, công tác cán bộ - hay nói nôm na là lựa chọn người lãnh đạo (cầm quyền) là hết sức quan trọng. Trong giai đoạn Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, công tác cán bộ, lựa chọn nhân tài để phụng sự Tổ quốc lại càng quan trọng hơn.
Bình luận 0

Lựa chọn kỹ lưỡng thế hệ lãnh đạo mới

Có thể nói, chưa có đại hội nào mà công tác nhân sự lại được chuẩn bị một cách lớp lang, bài bản và cẩn trọng như Đại hội Đảng XIII.

Chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu. "Nếu chọn đúng người thì đất nước phát triển, nhân dân được nhờ. Trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương là phải làm việc này cho tốt" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam hai nhiệm kỳ (2011-2016 và 2016-2020) đã nói.

(xuan) Niềm tin về thế hệ lãnh đạo mới  - Ảnh 1.

Khai giảng một lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng. Ảnh: Đức Mạnh

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nghệ thuật dùng người, trọng dụng nhân tài chính là bài học vô giá để chúng ta có những chủ trương, chính sách đúng, trúng và hiệu quả trong công tác cán bộ hiện nay.

Nguyên lý gốc của công tác cán bộ cho Đại hội Đảng XIII là Đảng ta thực sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, "phải làm sao lựa chọn được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài". Đây không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, mà của cả hệ thống chính trị.

(xuan) Niềm tin về thế hệ lãnh đạo mới  - Ảnh 3.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 15, ngày 17/1/2021.Ảnh: TTXVN

Ông Hoàng Bình Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng: Khâu "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt"

Đảng Cộng sản Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, coi đây là khâu "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt". Công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá mới được chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ, làm từng bước, từng việc, từng khâu, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm theo đúng quy trình nhân sự đã đề ra.

img

Bảo đảm Ban Chấp hành Trung ương khóa mới phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiêu biểu về trí tuệ, có tầm nhìn chiến lược, có tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới.

img

TS Nguyễn Đức Kiên - Thành viên Tổ biên tập văn kiện Đại hội Đảng: Định hướng 25 năm tới rất rõ ràng, sáng sủa

Tôi may mắn là thành viên của Tổ biên tập văn kiện Đại hội Đảng XIII. Có thể nói, dự thảo các văn kiện được tiến hành công phu, nghiêm túc, khoa học, có nhiều điểm mới, đáp ứng kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chắc chắn khi chúng tôi làm thì với tư cách người làm công tác khoa học, chúng tôi đều chắt lọc những điều tinh hoa nhất, tinh túy nhất để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Niềm tin của tôi là định hướng trong vòng 25 năm tới rất rõ ràng, sáng sủa. Vấn đề là hy vọng các nhân sự của Đại hội XIII được Đại hội chọn ra sẽ tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội một cách tốt nhất. Tôi tin là các đồng chí được giao nhiệm vụ đó sẽ toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, dân tộc đã giao.

Ông Đỗ Mạnh Hùng – nguyên Phó chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Không khí xã hội phấn khởi và tin tưởng

Mặc dù năm 2020 là một năm rất khó khăn nhưng bước vào Đại hội XIII của Đảng, không khí xã hội rất phấn khởi, rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng vào sự chỉ đạo, lãnh đạo điều hành của Quốc hội, Chính phủ rồi các cấp. Sở dĩ có được niềm tin, sự phấn khởi đó tôi nghĩ rằng bắt nguồn từ hoạt động lãnh đạo của Đảng nói chung, đặc biệt là Ban chấp hành Trung ương, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Những thành tựu tốt đẹp của nhiệm kỳ XII chính là tiền đề, cơ sở cho niềm tin ấy.

img

Với tinh thần để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, Đảng ta đã rất công khai, cầu thị trong công tác chuẩn bị Đại hội XIII. Trong đó có vấn đề về công tác nhân sự. Chúng ta biết rằng, đối với Đại hội lần này thì chúng ta đã chuyển từ quy trình 3 bước thành quy trình 5 bước trong công tác nhân sự. Đặc biệt nhân sự các vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, vì thế chúng tôi tin rằng các đồng chí được tin tưởng giao phó trọng trách trong nhiệm kỳ tới sẽ phát huy được những thành tựu của các nhiệm kỳ trước, đặc biệt là nhiệm kỳ Đại hội XII.

Hoàng Lan – Thanh Tâm (ghi)

Vì sao lại nói "chưa bao giờ công tác nhân sự cấp cao lại được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng như lần này"? Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng, giải thích: Công tác nhân sự là công tác vô cùng quan trọng, nhưng cũng vô cùng phức tạp, nhạy cảm, vì nó liên quan đến con người, danh dự, chế độ chính sách… dễ nảy sinh vấn đề, tâm tư day dứt, vì vậy cần phải được tiến hành theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, công tâm khách quan.

Ông yêu cầu: "Từng cơ quan địa phương, từng cán bộ trực tiếp tham gia vào công tác chuẩn bị phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình, phải toàn tâm, toàn ý lo cho công việc chung, phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết".

Người đứng đầu Đảng ta 2 nhiệm kỳ qua yêu cầu: "Lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình để làm thước đo chủ yếu". "Đừng bị đánh lừa bởi những động tác giả. Nhiều người khéo lắm, dễ đề cao thành tích, che giấu khuyết điểm… Phải trên cơ sở tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, để tạo ra một ê-kíp, một tập thể cộng sự ăn ý, đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh", và: "Nói theo các cụ: "Đừng nhìn gà hóa quốc", "đừng thấy đỏ tưởng là chín", "đừng chỉ thấy cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong"…

Phải nhắc lại những suy tư, trăn trở và yêu cầu của người đứng đầu Đảng hai nhiệm kỳ mới thấy hết tầm quan trọng của công tác nhân sự nhiệm kỳ này. Một Ban Chấp hành Trung ương mới, một Bộ Chính trị mới - một thế hệ lãnh đạo mới, được lựa chọn kỹ lưỡng, tài cao, đức trọng, có khát vọng cống hiến, nhất định sẽ mở ra một trang mới cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong một thế giới, ở một thời kỳ đầy biến động.

Cần lắm những "chiếu cầu hiền tài"

Từ Đại hội XIII của Đảng, chúng ta có quyền tin rằng, công tác lựa chọn và bố trí cán bộ ở các bộ, các ngành, các lĩnh vực, các địa phương sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được những nhân tài trong và ngoài Đảng, trong nước cũng như người Việt ở nước ngoài đồng tâm, đồng sức đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng là dịp để chúng ta phát huy hơn nữa học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm theo lời dạy của Người.

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "kiến quốc cần có nhân tài". Người đã viết hai bài "Nhân tài và Kiến quốc", "Tìm người tài đức" đăng trên báo Cứu Quốc để tìm người tài đức tham gia xây dựng Tổ quốc. Người giãi bày tâm can cùng nhân dân và yêu cầu chính quyền các cấp tiến cử nhân tài cho Chính phủ: "E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết".

Các bài viết nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi là "chiếu cầu hiền tài". Nhờ có tầm nhìn chiến lược, quan điểm đúng đắn đó mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã thu hút được rất nhiều người có tài, đức vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ đất nước ngay từ những ngày đầu muôn vàn khó khăn của chính quyền cách mạng còn non trẻ.

"Dụng nhân như dụng mộc", tùy tài đức mà dùng, Hồ Chí Minh đánh giá tài đức của cán bộ ở kết quả công việc vì dân, vì nước chứ không hẹp hòi, không câu nệ là người trong Đảng hay ngoài Đảng.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một trí thức ngoài Đảng nhưng nổi tiếng tài năng, đức độ và lòng yêu nước. Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách mời cụ ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi Người đi Pháp năm 1946, tuy trong Chính phủ có nhiều cán bộ là đảng viên nhưng Người quyết định giao cụ Huỳnh Thúc Kháng làm quyền Chủ tịch nước. Niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đặt đúng chỗ. Suốt thời gian Người đi Pháp, ở trong nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng luôn giữ vững phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến", cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp và các quan chức khác trong Chính phủ giải quyết tốt việc quốc nội, giữ được thế phát triển của cách mạng trong lúc hiểm nghèo.

Cụ Bùi Bằng Đoàn - vốn là quan Thượng thư Bộ Hình dưới triều Nguyễn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mời ra làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi sau này làm tới chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, dù là người ngoài Đảng nhưng vẫn được Người giao chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục.

Trong Chính phủ và Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trọng dụng đúng các quan đại thần khác như cụ Phan Kế Toại, cụ Phạm Khắc Hòe; trọng dụng "vua Mèo" Vương Chí Sình, Tổng đốc Vi Văn Định người dân tộc Tày... Bên cạnh đó là hàng loạt trí thức tài năng cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng, giao trọng trách trong bộ máy của Đảng, Nhà nước từ rất sớm như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Tố...

Có tâm và có tầm trọng dụng nhân tài, có nghệ thuật dùng người nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội tụ được nhân tài ở tất cả các miền Bắc - Trung - Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.

Những bài học về nghệ thuật dùng người, trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn tươi mới, vô giá để thế hệ lãnh đạo nhiệm kỳ mới có những chủ trương, quyết sách mới đúng, trúng và hiệu quả trong công tác cán bộ hiện nay. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem