Nổ lò hơi: “Trăm năm mới thanh tra một lần thì sao không tai nạn?!”

Minh Nguyệt Thứ sáu, ngày 11/11/2016 12:59 PM (GMT+7)
Đây là ý kiến được chuyên gia Phùng Huy Giật, nguyên cán bộ Huấn luyện lao động (Hội An toàn lao động Việt Nam) bày tỏ khi trao đổi với phóng viên Dân Việt sáng 11.11.
Bình luận 0

Ông Giật cho rằng sở dĩ các vụ nổ lò hơi xảy ra liên tục trong thời gian ngắn, vụ sau nguy hiểm và tổn thất lớn hơn vụ trước là bởi công tác thanh kiểm tra của chúng ta rất kém.

“Công tác thanh kiểm tra các cơ sở yếu kém, dẫn tới hàng loạt các vụ nổ lò hơi trong thời gian gần đây chính là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Văn bản pháp luật, nghị định hướng dẫn có rồi mà không được thực hiện được là do nhiều người chưa đặt nặng vấn đề an toàn lao động”, ông Giật nói.

img

Vụ nổ lò hơi làm hư hại nhiều nhà dân cạnh đó. (Ảnh: Vinh Hải)

Theo ông Giật, Luật An toàn lao động, Nghị định 44 ngày 16.5.2016 quy định cụ thể chi tiết về vấn đề quản lý thiết bị, quy hoạch của lò hơi. Nghị định cũng quy định cụ thể về việc vận hành máy và lao động vận hành máy phải được tập huấn. Nghị định cũng yêu cầu thực hiện quan trắc môi trường quanh các cơ sở có sử dụng lò hơi. Dù ở khu dân cư hay ngoài khu dân cư thì các cơ sở, công ty sử dụng lò hơi vẫn phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy chuẩn này. Các cơ sở này cũng phải có giấy phép được kiểm định định kỳ.

“Mặc dù vậy, nhưng việc thanh kiểm tra của chúng ta vẫn rất yếu bởi đội ngũ thanh tra của chúng ta mỏng, cả tỉnh chỉ có vài ba thanh tra. Tính ra phải mất 275 năm sau thì thanh tra lao động của Việt Nam mới thanh tra được hết số lượng công ty, doanh nghiệp của Việt Nam. Như vậy, cả trăm năm doanh nghiệp mới được thanh tra một lần thì sao mà không xảy ra tai nạn lao động”, ông Giật nói.

Theo ông Giật, Chính phủ cần tăng cường lực lực thanh tra lao động, thực hiện tăng cường phối hợp với thanh tra của các bộ ngành như Bộ công thương và mở rộng đội ngũ cộng tác viên thanh tra. Đồng thời, thực hiện tập huấn, luấn luyện cho thanh tra, cộng tác viên cũng như lao động.

Trước đó, ông Giật cũng khẳng định rằng, lò hơi là thiết bị sản xuất phổ biến, nhưng rất nguy hiểm. Việc vận hành lò hơi cần phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt về an toàn lao động. Trước khi sử dụng các thiết bị này cũng phải được kiểm nghiệm an toàn, cấp phép sử dụng. Bản thân lao động sử dụng cũng phải được đào tạo, huấn luyện kỹ càng, khi vận hành lò hơi cũng phải đảm bảo kỷ luật lao động nghiêm khắc, nếu không sẽ giống như là lao động cạnh một quả bom.

“Thường thì mỗi một lò hơi sẽ phải có một lao động vận hành canh lò. Các lao động này phải trực 24/24 giờ để vận hành, cấp nước, làm sạch lò hơi… Tuy nhiên, nếu không được đào tạo, lúc vận hành sai thì nguy cơ lò hơi bị nổ vẫn có thể xảy ra. Nếu không được sử dụng đúng, không được cấp nước, áp suất trong lò tăng cao thì chỉ vài phút sau là lò hơi nổ tung, san phẳng mọi thứ. Cứ nổ lò hơi là chết” – ông Giật khẳng định.

Như Dân Việt đã thông tin, chiều ngày 10.11, một vụ nổ lò hơi nghiêm trọng ở Công ty CP xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Thái Nguyên (địa chỉ tại tổ 15, phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên) đã làm 2 người chết, 7 người bị thương.

Trước đó, khoảng 10 ngày (ngày 30.10) một vụ nổ lò hơi nghiêm trọng ở cơ sở chế biến don ở Thái Thụy (Thái Bình) cũng làm 4 người thiệt mạng, hơn một chục người khác bị thương.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Anh Thơ, Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), ngay trong sáng 11.11, Đoàn thanh tra Bộ LĐTBXH do ông làm trưởng đoàn đã xuống hiện trường vụ nổ tại Thái Nguyên để kiểm tra làm rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn. Trong chiều hôm nay Đoàn thanh tra cũng sẽ đưa ra những kết luận ban đầu về vụ việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem