Nỗi lo cướp biển khi ra khơi

NgọcNhi - MinhNguyệt Thứ bảy, ngày 25/02/2017 06:30 AM (GMT+7)
Chỉ trong 4 tháng tại vùng biển Đông Nam Á đã xảy ra hai vụ tàu bị cướp biển tấn công, bắt cóc 12 người, bắn chết 1 thủy thủ. Thông tin ấy ít nhiều đã làm nhiều thuyền viên và thân nhân của họ lo lắng.
Bình luận 0

An ninh còn bị coi nhẹ

Từng 7 năm gắn bó với nghề đi tàu viễn dương, anh Lê Xuân Thắng (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, các thuyền viên thường phải đối diện với vô vàn nỗi lo, như cướp biển, bão tố, nợ lương, lại phải xa gia đình.

“Nhiều gian nan là vậy, nhưng có lẽ chưa bao giờ thuyền viên Việt Nam phải đối mặt với nhiều hiểm nguy như lúc này. Nhiều người, ngày đi là nước mắt tiễn nhau, ngày về lại chẳng có nụ cười sum họp, xác thân nằm trọn trong hũ tro tàn” – anh Thắng nói.

Là thuyền viên trẻ, mới có 4 năm kinh nghiệm đi biển nhưng Lê Quang Thế (Hà Tĩnh) đã quá thấm thía sự vất vả, khổ cực cũng như tính chất nguy hiểm của nghề nghiệp. Bản thân Thế có gần 1 năm làm việc trên tàu Giang Hải (con tàu vừa gặp cướp biển trên vùng biển của Philippines).

“Công việc vất vả, khổ cực có thể chịu đựng được, nhưng vấn đề an ninh đảm bảo tính mạng mà bị xem thường thì thật sự chúng tôi rất hoang mang. Tôi từng đi nhiều tàu, thấy có tàu được trang bị an ninh, lập kế hoạch phòng chống cướp biển… rất tốt. Nhưng có những tàu vấn đề này hoàn toàn bị bỏ ngỏ” – Thế nói.

img

   Ngày 26.10.2016, thuyền viên Nguyễn Văn Hạ (Hà Tĩnh) trở về sau gần 4 năm bị hải tặc Somalia bắt giữ.  Ảnh: Phạm Đức

Trong khi đó, theo anh Thắng, một vấn đề khiến cho các tàu của Việt Nam hay phải đối mặt và khó thoát khỏi tấn công của cướp biển là bởi tàu thuyền của chúng ta có công suất bé, không được trang bị an ninh tốt nên khi bị tấn công sẽ nhanh chóng bị chúng chiếm tàu.

Nếu trước đây chuyện gặp cướp chỉ là hy hữu, cướp biển ở vùng Malacca và Philippines (khu vực Đông Nam Á) chủ yếu chỉ cướp hàng hóa, nhưng gần đây chúng không chỉ cướp hàng mà còn bắt cóc người, thậm chí giết hại nếu bị chống đối. Chỉ trong vòng 4 tháng, Việt Nam đã có đến 12 thuyền viên bị cướp biển bắt cóc, 1 thuyền viên đã tử vong.

Mới đây nhất, ngày 19.2, tàu Giang Hải của Công ty Xuất nhập khẩu Phạm Hải bị tấn công ngoài khơi Philippines, khiến 6/17 thủy thủ bị bắt cóc và 1 thuyền viên bị cướp biển bắn chết trên tàu. Trước đó, ngày 11.11.2016, tàu Royal 16 của Công ty CP Hàng hải Hoàng Gia bị cướp ở Philippines, 6 thuyền viên bị bắt. Cho đến nay vẫn chưa rõ số phận 6 người này.

Những lời hẹn dang dở

Khó khăn của nghề thì các thuyền viên có thể dùng chuyên môn, bản lĩnh của mình để vượt qua, nhưng với cướp biển, họ cần một sự bảo vệ chủ động hơn, sát sao hơn từ nhiều phía. Có như thế người thân chúng tôi mới yên tâm công tác, những người ở hậu phương mới vơi bớt những nỗi ám ảnh trong những ngày đợi chờ”. 
Chị Nguyễn Thị Thảo (vợ thủy thủ Hoàng Văn Khải, ở Hải Phòng).   

Chị Thùy Dương – vợ của thợ máy Phạm Trung Tuyến, 1 trong 22 thủy thủ chết trong vụ chìm tàu Vinalines Queen tại vùng biển Philippines do thời tiết xấu năm 2011, buồn tủi nhớ lại: “Ngày mới lấy nhau anh tình cảm lắm, đi xa nhưng hôm nào cũng tranh thủ gọi về cho vợ. Trước khi tàu bị chìm, anh ấy đã hứa sau chuyến hàng đó sẽ về bờ cùng mình dắt con thơ đi biển, kể cho con nghe về những hành trình đầy giông bão mà anh đã trải qua. Nhưng con tàu Vinalines Queen định mệnh ấy đã không đưa anh về như lời hẹn. Lời hứa dang dở của anh bao lần còn theo mình vào cả giấc mơ”.

Máy trưởng Hoàng Văn Chuyên bị chết do ngộ độc khí hun trùng trên tàu MV Vimaru Pearl vào đúng ngày Lễ Tình nhân 14.2.2017. Khi thiên hạ cùng đón nhận hoa hồng và lời chúc tụng thì vợ anh – chị Phạm Thị Quyên (Hải Phòng) cùng đứa con mới ngoài hai tuổi đón nhận tin dữ, rằng anh sẽ vĩnh viễn không về. “Trước khi đi anh ấy bảo: Lương chuyến đi này sẽ dùng để sửa nhà cho bố mẹ, cho chị và con cuộc sống tốt hơn. Vậy mà giờ chưa kịp sửa nhà, anh đã nằm gọn trong một hũ tro” – chị Quyên kể. Ngày 22.2 vừa qua, chị sang Malaysia để nhận tro cốt chồng về, không có nụ cười sum họp, cũng sẽ không còn những lần tiễn chân nhau nữa…

Bà Đào Thị G (mẹ thuyền viên Vũ Đức Hải - người vừa bị cướp biển bắn chết trên tàu Giang Hải ngày 19.2) vẫn không tin rằng con mình đã bị cướp biển bắn chết. Con trai bà chỉ mới 22 tuổi, còn “nợ” bà một nàng dâu, vậy mà nay người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.

Còn chị Nguyễn Thị Thảo (vợ thủy thủ Hoàng Văn Khải, ở Hải Phòng) nói rằng, những ngày gần đây, nghe tin về cướp biển mà toàn những người mình quen biết gặp nạn, chị cứ nghĩ ngợi lung tung rồi khóc. Đêm chẳng thể nào ngủ được vì lo lắng cho chồng ở trên tàu, nhưng cũng không dám nói cho chồng biết. Chị chỉ biết cầu cho các anh bình an. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem