Nón lá Trà Lộc đi xa...

Thứ hai, ngày 30/09/2013 10:44 AM (GMT+7)
Ở thôn Trà Lộc (xã Hải Xuân, Hải Lăng, Quảng Trị), nghề chằm nón lá là nghề phụ, nhưng cho thu nhập gấp 2-3 lần trồng lúa. Địa phương đang hy vọng xây dựng thương hiệu cho nón lá Trà Lộc.
Bình luận 0
Học nghề xứ người

Theo hướng dẫn của ông Cáp Hữu Hanh – Trưởng thôn Trà Lộc, chúng tôi đến thăm gia đình chị Huỳnh Thị Thôi. Chị kể: Tôi là người Quảng Nam, sau khi lấy chồng, tôi học nghề chằm nón. Khi mới học nghề, đôi lúc tôi cũng nản lắm vì nghề này cần sự kiên trì và tỉ mỉ thì sản phẩm mới bắt mắt, được giá. Thế rồi thấy ai cũng chằm nón có thêm thu nhập, tôi cũng cố học, và dần đam mê với nghề.

Phụ nữ thôn Trà Lộc tập trung chằm nón.    N.X
Phụ nữ thôn Trà Lộc tập trung chằm nón.

Chị Thôi cho biết, thôn Trà Lộc ruộng vườn không nhiều nên hầu hết phụ nữ trong làng làm thêm nghề chằm nón. Nguyên liệu làm ra mỗi chiếc nón chỉ khoảng 5.000 đồng nên ai chăm chỉ làm cũng kiếm được khoảng 50.000 – 70.000 đồng/ngày. Chị Thôi có tay nghề khá, mỗi tháng thu nhập 1,5 - 2 triệu đồng.

Chị Cáp Thị Lan làm nghề nón lá lâu năm và đã truyền nghề cho nhiều người, cho hay:?“Nghề làm nón chỉ cần chăm chỉ và khéo léo thì làm được nhiều. Mỗi ngày, tôi phải dậy thật sớm để ủi lá nón, sau đó lên khung, đắp lá để ban ngày chằm nón”.

Nón ở Trà Lộc làm ra ngày nào là được thu mua ngày đó nên không sợ đầu ra. “Tôi làm nghề thu gom nón rồi bỏ mối cho thương lái mấy năm nay. Nói chung nón Trà Lộc làm ra có chất lượng, được khách hàng đánh giá cao và ưa chuộng nên đầu ra rất ổn định. Ngày nào tôi cũng đi gom nón mà vẫn không đủ bán. Đặc biệt sau mỗi dịp tết là chúng tôi càng khan hiếm nón vì người vào miền Nam ai cũng mua nón làm quà”- chị Lê Thị Cúc, chủ một đại lý thu mua nón vui vẻ nói.

Giấc mơ thương hiệu...

Theo ông Cáp Hữu Hanh, hiện thôn Trà Lộc có khoảng 300/457 hộ chuyên nghề làm nón. Nghề làm nón ở Trà Lộc có từ thuở mới lập làng. Hàng năm, Trà Lộc xuất bán ra thị trường từ 50.000– 70.000 nón thành phẩm. Thị trường chủ yếu là chợ Đông Hà, Quảng Trị và các tỉnh lân cận…

Hiện nay, giá mỗi chiếc nón Trà Lộc loại tốt khoảng 30.000 đồng, loại bình thường dao động từ 25.000 – 27.000 đồng. Một người thợ lành nghề làm được 4-5 chiếc nón/ngày.


Vào mùa nắng, nón Trà Lộc chỉ xuất bán trong tỉnh, còn mùa mưa thì nón sẽ theo chân thương lái vào tận miền Nam. Nón do người Trà Lộc làm ra có mẫu mã đẹp, bền nên rất được thị trường ưa chuộng. “Nhờ thị trường tiêu thụ ổn định, giá cao và được khách hàng ưa chuộng mà nón lá Trà Lộc ngày càng phát triển”- ông Hanh nói.

Theo ông Lê Văn Xuân– Chủ tịch UBND xã Hải Xuân, khả năng cung ứng và nhân lực làm nón ở xã Hải Xuân còn rất dồi dào, có thể cung cấp nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, nón Trà Lộc không có thương hiệu như nón làng Chuông, nón Phú Gia hay như nón Bài Thơ Trà Lộc nên chưa đi xa được. Ông Xuân bày tỏ: “Thôn Trà Lộc còn được biết đến với khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc nổi tiếng thu hút hàng chục nghìn du khách mỗi năm. Ước mong của chúng tôi là đầu tư làm nón chất lượng, nghệ thuật và đăng ký thương hiệu, để một ngày nào đó sản phẩm nón của làng mình sẽ trở thành món quà cho mỗi khách du lịch khi ghé thăm làng”.
Khánh Hưng - Ngô Xuân (Khánh Hưng - Ngô Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem