Nông dân "chơi" Facebook, Zalo: Không ngờ nhiều người mua đến vậy

Thứ ba, ngày 05/02/2019 14:05 PM (GMT+7)
Cùng với xu thế phát triển của xã hội hiện đại, người nông dân sử dụng mạng xã hội như một công cụ hữu ích, phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp.
Bình luận 0

Kết nối

Đã 2 năm nay, mỗi tối bà Mạc Thị Hải ở xã Thanh Lang (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) đều dành 1 tiếng đồng hồ bên chiếc máy vi tính để giao lưu với những người bạn làm nông nghiệp ở khắp mọi miền đất nước qua Facebook. Thông qua mạng xã hội (MXH) này, bà Hải có thêm được nhiều kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi để áp dụng vào sản xuất.

img

Nhà nông đã quen với việc dùng Smartphone chụp ảnh nông sản đưa lên mạng xã hội để tìm mối tiêu thụ

"Cứ nhắc tới nông dân là mọi người nghĩ ngay về sự lạc hậu, chậm thay đổi. Nhưng con gái chỉ mất 2 ngày hướng dẫn thì một người ít tiếp xúc với máy móc như tôi đã có thể dùng Facebook thành thạo. Hiện tôi tham gia vào các nhóm và theo dõi các trang liên quan tới nông nghiệp, nông thôn trên Facebook để tìm hiểu tình hình sản xuất ở khắp các vùng miền. Từ đó tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân", bà Hải phấn khởi nói.

Trước kia, những lúc gặp khó khăn trong sản xuất, bà phải xoay xở rất vất vả vì chỉ trông chờ vào tư vấn của cán bộ HTX Dịch vụ nông nghiệp hay người bán vật tư nông nghiệp. Còn hiện tại, bà được hỗ trợ bởi cả cộng đồng mạng.

"Mặc dù không thân quen nhưng mọi người chia sẻ thông tin rất nhiệt tình. Qua đó, tôi biết được vấn đề mình đang gặp phải là gì và biện pháp khắc phục như thế nào", bà Hải cho biết thêm.

Cũng nhờ MXH mà anh Nguyễn Văn Đạt ở xã Hiệp An (huyện Kinh Môn, Hải Dương) có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi mà không phải cất công đi đâu xa. Facebook cá nhân cũng là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm trong quá trình khởi nghiệp của anh. Mỗi bức ảnh, mỗi dòng trạng thái đăng trên Facebook, Zalo khi gặp trở ngại hay lúc thu hái những thành quả đầu tiên trên chặng đường nông nghiệp đầy gian nan, anh đều nhận được sự động viên, ủng hộ từ những người bạn xa lạ.

Đối với anh Đạt, Facebook, Zalo là kho tư liệu khổng lồ về nông nghiệp. Thông tin trên MXH luôn được cập nhật liên tục nên nông dân sẽ nắm bắt được những cái mới trong sản xuất nông nghiệp.

Anh Đạt cho biết: "Ý tưởng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ của tôi cũng bắt đầu từ một chia sẻ mà tôi tâm đắc trên Facebook về chất lượng nông sản. Và phần lớn kỹ thuật canh tác của phương thức sản xuất mới mẻ này tôi cũng học được từ những người bạn trên Facebook. Chúng tôi không quen biết song có chung niềm đam mê, tâm huyết với nông nghiệp nên những lời khuyên đều thật lòng".

Hiện anh Đạt đang làm cố vấn cho Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp miền Bắc. Câu lạc bộ duy trì hoạt động qua MXH bởi các thành viên ít có điều kiện gặp nhau. Anh hy vọng kinh nghiệm mình tích lũy được qua sách vở và thực tế sẽ giúp ích được cho nhiều người.

Sự bùng nổ của MHX là nền tảng để xây dựng một nền nông nghiệp kết nối. Ở đó, những nông dân không quen biết, chưa gặp mặt vẫn có thể giúp đỡ nhau trong sản xuất. Đây cũng là "chìa khóa" để mở cánh cửa của nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.

Thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất và tiêu dùng

MXH không chỉ kết nối, tập hợp nông dân chia sẻ kinh nghiệm sản xuất mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất với người tiêu dùng. Nhờ có MXH, nông dân sẽ biết được xu hướng tiêu dùng để có những điều chỉnh phù hợp. MXH cũng là kênh truy xuất nguồn gốc hiệu quả, tiện lợi bởi khách hàng có thể tự kiểm chứng thông tin sản xuất.

Gần 40 năm gắn bó với nông nghiệp, đến bây giờ bà Ngô Thị Vụ ở xã Hồng Phong (Nam Sách) mới vơi bớt nỗi lo về đầu ra cho nông sản. Những năm trước, khi 2 mẫu thiên lý chuẩn bị cho thu hoạch, bà luôn thấp thỏm, trông ngóng thương lái đến thu mua. Còn hiện tại nhờ có Facebook, bà đã chủ động hơn trong khâu tiêu thụ. Được con lập cho tài khoản Facebook, bà Vụ đăng bài bán hoa thiên lý trên trang cá nhân và trong các hội nhóm. Bà không nghĩ lại có nhiều người hỏi mua đến vậy. Chỉ trong một thời gian ngắn, vườn thiên lý nhà bà được mọi người biết đến, chủ động gọi điện đặt mua.

"Thấy hiệu quả nên tôi đăng bài nhiều hơn, không chỉ là thông tin về số lượng, giá cả mà còn cả những hình ảnh trong quá trình chăm sóc. Vì vậy, khách hàng càng tin tưởng hơn vào sản phẩm của gia đình. Giờ tôi không còn lo lắng vì phải phụ thuộc vào tiểu thương như trước", bà Vụ hào hứng nói.

Chị Phạm Thị Thanh Tình ở xã Thanh Thủy (Thanh Hà) cũng sử dụng Zalo để tiếp cận khách hàng có nhu cầu mua vải thiều tươi, khô. Nhiều thời điểm vải xuống giá, thương lái được đà ép giá nên chị Tình mạnh dạn đăng tải thông tin lên Zalo để nhờ bạn bè tìm mối tiêu thụ. Kết quả đạt được còn hơn những gì chị mong muốn.

"Trong khi tiểu thương thu mua với giá rẻ thì người tiêu dùng lại phải mua với giá cao. Từ đó tôi đã dùng Zalo để tự quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình, mang sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng mà không qua trung gian. Ban đầu, tôi chỉ định bán vải của nhà nhưng do người nọ giới thiệu người kia, khách hỏi mua nhiều nên vụ vừa qua, tôi lấy thêm vải của các hộ khác để bán mới đáp ứng được nhu cầu của khách", chị Tình cho biết.

Trước sự phát triển của công nghệ thông tin, những nông dân năng động, nhạy bén đã khai thác được các tính năng tiện lợi của MHX để làm gia tăng giá trị sản xuất. Không những vậy, MXH còn góp phần tạo ra sức mạnh cộng đồng trong nông nghiệp, giúp nông dân có thêm niềm tin trong sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Mơ (Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem