Nhiều nông dân được hưởng lợi
Trước đây, mỗi khi chuẩn bị bước vào mùa vụ sản xuất mới, gia đình ông Nguyễn Bá Minh ở xóm 4 Thị Nội, xã Chuyên Ngoại (Duy Tiên) lại phải chạy vạy khắp nơi để có tiền mua phân bón cho 1,2 mẫu trồng bưởi. Nhưng từ năm 2012, nhờ Hội ND xã triển khai chương trình liên kết với doanh nghiệp cung ứng các loại phân bón theo hình thức trả chậm, tâm lý vợ chồng ông rất thoải mái, không lo lắng mỗi khi vào vụ nữa.
Mỗi năm, vợ chồng ông Nguyễn Bá Minh (xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên) đăng ký 4 tấn phân bón Lâm Thao trả chậm để bón cho 1,2 mẫu bưởi. Ảnh: Trần Ích
Qua triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm, nhiều ND nhận xét rằng, Hội ND làm được như thế nông dân rất yên tâm, không còn lo bị ép giá khi mua phân bón ở bên ngoài nữa, lại được chậm trả để họ có điều kiện đầu tư canh tác tốt hơn”.
Ông Phạm Minh Văn -
Chủ tịch Hội ND xã Thanh Tân
|
Với cách làm này, đầu vụ sản xuất, ông Minh chỉ cần đăng ký số lượng, chủng loại phân bón với Hội ND xã, sau đó doanh nghiệp sẽ cung ứng tới tận thôn, xóm. “Trước đây, khi bắt tay vào trồng bưởi, do không có tiền nên gia đình tôi phải mua chịu phân bón ở các đại lý với lãi suất cao. Vì thế việc Hội ND xã triển khai chương trình mua phân bón theo trả chậm rất thiết thực với ND, giúp giảm bớt áp lực về vốn cho sản xuất. Mỗi năm tôi đều đăng ký mua 4 tấn phân bón supe lân và NPK Lâm Thao để vừa bón lót, vừa bón thúc quả cho vườn bưởi”.
Theo ông Minh, tham gia chương trình này, gia đình ông không chỉ được chậm thanh toán tiền phân bón mà còn yên tâm hơn về chất lượng phân bón, ngoài ra ông và các nông dân khác còn được tập huấn cách sử dụng phân bón sao cho hiệu quả.
“Hiện nay, bưởi đã vào giai đoạn nuôi quả non. Đây là một trong những giai đoạn quan trọng cần tập trung chăm sóc. Yếu tố quan trọng bậc nhất trong thâm canh cây bưởi để phát huy tiềm năng giống và chất lượng sản phẩm là sử dụng phân bón hợp lý. Nhờ sử dụng phân bón Lâm Thao, những năm gần đây, vườn bưởi của gia đình tôi có tỷ lệ đậu quả khá cao, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu thị trường nên giá bán ổn định” - ông Minh phấn khởi nói.
Gia đình chị Phạm Thị Tuyết ở thôn Thị Hòa, xã Thanh Tân (Thanh Liêm) có 2 mẫu ruộng. Chị cho biết, khi vào vụ sản xuất gia đình phải lo rất nhiều chi phí, từ làm đất, giống, thuê nhân công, đặc biệt là tiền mua phân bón. Có thời điểm không có tiền, chị phải mua chịu phân bón với lãi suất khá cao. Nhưng bắt đầu từ vụ đông xuân 2017, Hội ND xã triển khai chương trình mua phân bón theo hình thức trả chậm, gia đình chị cũng như nhiều hộ khác thở phào nhẹ nhõm. “Mua phân bón theo hình thức này không chỉ chất lượng tốt mà giá phân bón cũng thường thấp hơn so với giá thị trường từ 20.000 - 30.000 đồng/tạ” - chị Tuyết thông tin.
Năm đầu tiên thực hiện chương trình cung ứng phân bón trả chậm, nhưng Hội ND xã Thanh Tân (Thanh Liêm) đã phối hợp triển khai khá nhịp nhàng và bài bản. Ông Phạm Minh Văn - Chủ tịch Hội ND xã Thanh Tân cho hay: “Thực hiện chương trình mua phân bón theo hình thức trả chậm, bà con ND được hưởng nhiều lợi ích thiết thực. Theo cam kết, hộ ND được trả chậm 6 tháng; được hưởng ưu đãi về giá so với thị trường; chất lượng phân được bảo đảm, không lo ngại phân kém chất lượng. Ngoài ra, ND còn được các công ty cung cấp phân bón cử cán bộ xuống chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tuy là năm đầu tiên triển khai, nhưng vụ đông xuân vừa qua, Hội ND xã đã thực hiện việc cung ứng phân bón trả chậm tại 4/9 chi hội với 53 tấn phân bón cho trên 112 hộ ND”.
Cán bộ, hội viên thêm gắn bó
Nhờ Hội ND làm "cầu nối", hàng ngàn nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có điều kiện chăm sóc cây trồng kịp thời vụ. Ảnh: Thu Hà
Trao đổi với chúng tôi, bà Khổng Thị Thảo – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Nam cho biết: Những năm qua, với vai trò là cầu nối trong sản xuất nông nghiệp, các cấp Hội ND trong tỉnh đã chủ động phối hợp Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên, ND.
Nhằm tạo điều kiện cho hội viên ND được mua phân bón trả chậm qua kênh tín chấp của Hội một cách thuận lợi, trước mỗi vụ, Hội ND tỉnh chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố thông báo bảng giá từng loại phân bón đến các xã, thị trấn. Từ đó, Hội ND các xã, thị trấn có trách nhiệm thông báo đến từng chi hội, tổ hội và bà con. Hội viên nào có nhu cầu thì đăng ký. Hội ND cơ sở có trách nhiệm giao hàng cho hội viên và thu hồi nợ khi đến hạn theo quy định.
Điều phấn khởi nhất sau nhiều năm thực hiện chương trình hỗ trợ mua phân bón trả chậm cho bà con ND là các cấp Hội ND tỉnh Hà Nam luôn thanh toán tiền đầy đủ cho công ty theo hợp đồng, không có tình trạng nợ đọng. Vì vậy, lượng phân bón được tín chấp tăng theo từng năm. Nếu như năm 2012, các cấp Hội ND trong tỉnh đã liên kết cung ứng được 2.714 tấn thì năm 2015 là 7.000 tấn, đến năm 2016 đã tăng lên 10.000 tấn phân bón NPK Lâm Thao. Riêng vụ đông xuân năm 2017, Hội ND đã cung ứng 4.550 tấn phân bón (dự kiến 12.000 tấn cả năm) theo hình thức trả chậm cho bà con.
“Nhờ chương trình này mà cán bộ, hội viên, ND ngày càng gắn bó và hiểu nhau hơn. Về phía hội viên, ND hiểu rằng tham gia sinh hoạt Hội, không chỉ có nghĩa vụ mà họ còn có quyền lợi đi kèm, như được Hội đứng ra tín chấp vay vốn, mua phân bón trả chậm, tập huấn, dạy nghề, chuyển giao các kiến thức khoa học kỹ thuật. Chương trình này đã góp phần giúp cán bộ hội thu hút hội viên bằng những việc làm cụ thể, chứ không phải là lý thuyết suông” - bà Thảo khẳng định.
Ngoài việc bán phân bón trả chậm, Hội ND tỉnh Hà Nam còn phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho hàng ngàn cán bộ, hội viên, ND. Tại các hội nghị tập huấn, các hội viên, ND đã được nghe các cán bộ chuyên môn của Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao phổ biến, chia sẻ các kiến thức về dinh dưỡng cây trồng; kỹ thuật chăm sóc lúa, cây màu, thời điểm và biện pháp bón phân cho hiệu quả cao.
“Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội ND còn phối hợp Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao mở 128 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 10.000 lượt hội viên” - bà Thảo thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.