Nông dân lãnh đủ vì khu công nghiệp

Thứ năm, ngày 30/06/2011 15:33 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cứ tưởng có khu công nghiệp, đời sống nông dân ĐBSCL sẽ sớm mở mày mở mặt, nhưng ngược lại, do mất đất, mất việc làm nên họ càng thêm lao đao.
Bình luận 0

Nông dân trong vùng dự án là những người chịu nhiều thiệt thòi khi giao đất cho các nhà đầu tư. Gia đình bà Trần Thị Mỹ - ở ấp Phú Nhơn, xã Đồng Phú (Châu Thành, Hậu Giang), giao gần 2ha đất đang trồng lúa cho Dự án xây nhà máy đóng tàu của Vinashin. Gia đình được bồi thường một số vốn, chia cho mấy đứa con rồi sau đó chịu cảnh thất nghiệp.

Bà Mỹ, cho biết: “Nông dân tụi tôi chỉ quen với việc đồng áng, bây giờ không có ruộng thì làm sao mà sống. Nhà nước quy hoạch, thu hồi đất thì dân đều chấp hành. Thế nhưng, lấy đất rồi mà mấy năm nay vẫn bỏ hoang…”.

img
Nhiều khu công nghiệp ở ĐBSCL thu hồi đất xong để đó, khiến người dân khốn khổ.

Năm 2007, khi bàn giao nhà cửa đất đai cho Dự án xây dựng Nhà máy Giấy Lee & Man, nhiều nông dân đã bật khóc khi xa mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Ông Nguyễn Thanh Tồn (ở ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, Châu Thành) cho biết: “Khi công bố quy hoạch, gia đình tui ăn ngủ không yên nhưng phải chấp hành vì tương lai của con cháu sau này. Ai ngờ tới nay dự án này vẫn chưa xong…”. Theo ông Tồn, mấy năm nay nếu vườn cam gần 5 công của ông không bị đốn hạ thì kiếm vài trăm triệu đồng khỏe re.

Ông Lê Văn Ngàn (ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú), có 1,5ha đất bị quy hoạch theo Dự án Vinashin, được bồi thường gần 750 triệu đồng. Có số tiền lớn, ông chia cho 4 đứa con để làm vốn, số tiền còn lại thì mua 5 công đất ở nơi khác. Ông Ngàn cho biết: “Lúc trước, ruộng đất nhiều nên thu nhập khá, cuộc sống cũng ổn định. Bây giờ diện tích đất bị thu hẹp lại, cuộc sống bắt đầu khó khăn hơn”.

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang, các dự án tại KCN, CCN, khu tái định cư do ban này quản lý có diện tích gần 2.000ha, với gần 6.800 hộ dân bị ảnh hưởng. Song đến nay, chỉ giải phóng mặt bằng và bàn giao cho nhà đầu tư gần 438ha, còn 739 hộ chưa nhận tiền bồi hoàn…

Khi thực hiện dự án xây dựng nhà máy đóng tàu và cụm công nghiệp tàu thủy ở KCN Sông Hậu thì Vinashin ưu tiên đào tạo nghề cho những gia đình bị mất đất để ổn định cuộc sống. Lúc đó, 2 xã Đông Phú và Phú Hữu A (nay là thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) có 35 người được đưa đi đào tạo 1 năm ở Hải Phòng.

Tuy nhiên sau khóa học, hàng chục lao động được trả về quê rồi thất nghiệp vì dự án bị đình trệ. Ông Trần Bá Phước (ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú), người được Vinashin ưu tiên đưa đi đào tạo ở Hải Phòng, rồi chờ việc suốt 2 năm bức xúc: “Gia đình tôi bị giải tỏa mất hết đất, được đưa đi đào tạo rất mừng nhưng về lại không có việc làm nên cuộc sống rất khó khăn. Họ cứ nói chờ nhưng chờ hoài không giải quyết việc làm, vì vậy tôi phải đi kiếm việc khác chứ không làm thì lấy gì mà sống…”.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem