Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tường rào, nhà dân được vẽ tranh 3D đẹp mắt. Làng biển Cảnh Dương cách mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp khoảng 10 km và kết nối với các khu, điểm du lịch, trung tâm kinh tế xã hội của vùng như Ba Đồn - 17 km, đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh và đèo Ngang - 11 km, cách Phong Nha - Kẻ Bàng khoảng 48 km…
Với hơn 380 năm hình thành và phát triển, giàu truyền thống khoa bảng, địa linh nhân kiệt, đồng thời là làng chiến đấu nổi tiếng thời chống Pháp với khẩu hiệu ‘rào làng chiến đấu’, làng biển Cảnh Dương đã 2 lần được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Clip: Người dân và lãnh đạo UBND xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ về việc xây dựng nông thôn mới ở làng biển gần 400 năm tuổi.
Đến với làng biển này, phóng viên không khỏi ngỡ ngàng khi nhiều ngõ, xóm rực rỡ những bức họa 3D đủ màu sắc với các câu chuyện nối tiếp nhau kể về chuỗi hình thành, phát triển, kháng chiến anh hùng cũng như xây dựng kinh tế ngư nghiệp thành công của làng.
Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Phạm Thanh Bình (ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Từ khi có dự án làng bích họa vào năm 2018, những bức họa 3D được vẽ lên tường rào, nhà dân khiến nông thôn mới ở quê tôi đẹp hơn.
Đi bộ từ đình thờ tổ về các làng nghề ở xã Cảnh Dương, mọi người sẽ thấy những hình ảnh về con thuyền đánh cá chờ ra khơi, người phụ nữ tựa mình bên cửa sổ hay hình ảnh các anh hùng xứ Cảnh Dương trong những năm tháng đấu tranh kiên cường… mỗi bức họa chứa đựng biết bao câu chuyện từ thời lập làng đến nay".
Ngày nay, rất đông du khách đã đến cung đường bích họa ở xã này để check-in và tham quan các ngôi nhà cổ với những bức tường cổ làm bằng đá san hô, còn nguyên màu rêu xanh cổ kính và trải nghiệm cuộc sống cùng người dân.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Cao Qúy Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), nói rằng: "Thời gian qua, công tác bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống luôn được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Đó là chân quê, nên chúng tôi phải giữ lấy và luôn xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cũng quan trọng như nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương".
Clip: Làng biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đang thờ hai bộ xương cá voi cổ và lớn nhất Việt Nam
Theo ông Cao Qúy Hà, trải qua gần 380 năm hình thành và phát triển, đến nay ngôi làng vẫn giữ được nhiều phong tục và nét văn hóa độc đáo như: Lễ rước lửa thiêng đêm Giao thừa, điệu hát ru con của nam giới mang âm hưởng sóng biển trầm hùng hay lễ hội Cầu Ngư, đua thuyền truyền thống trên biển của địa phương...
Ông Nguyễn Ngọc Tiếp – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Địa phương còn thờ phụng 2 bộ xương cá voi có kích thước dài 26 mét, vào hàng lớn nhất Việt Nam mà người dân chúng tôi tôn kính gọi là đức Ông, đức Bà. Bên cạnh đó, xã Cảnh Dương còn có nghĩa địa Cá Voi là nơi yên nghỉ của khoảng 17 cá ông, cá bà, đã "lụy" vào làng trong gần 380 năm nay".
Theo ông Nguyễn Ngọc Tiếp, trước đây, hai bộ xương cá voi được thờ tại nhà truyền thống của xã. Sau đó, người dân thấy không phù hợp nên năm 2013 góp tiền xây dựng Ngư Linh Miếu và rước đức Ông, đức Bà về đó thờ.
Hàng năm, tại Ngư Linh Miếu, ngư dân làng biển Cảnh Dương đều tổ chức Lễ hội Cầu ngư vào ngày rằm tháng Giêng, với mong muốn đức Ông, đức Bà phù hộ cho những con tàu của người dân nơi đây ra khơi đánh bắt được thuận buồm, xuôi gió. Lễ hội này đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
"95% người dân trong xã hàng trăm năm nay làm nghề đánh bắt hải sản, xem Ngư Linh Miếu là linh hồn của người dân xứ biển. Vì vậy, Ngư Linh miếu thờ đức Ông, đức Bà luôn hương khói, thờ phụng, cầu mong đánh bắt thuận buồm, xuôi gió. Ngư Linh miếu như hồn của làng biển", ông Nguyễn Ngọc Tiếp – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương nói.
Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Cao Qúy Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Xã Cảnh Dương về đích nông thôn mới năm 2014, người dân nhận thức được bản thân là người hưởng lợi và chủ thể trong xây dựng nông thôn mới nên luôn tích cực cùng Đảng bộ và chính quyền xã triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao".
Theo ông Cao Qúy Hà, với đặc thù của xã biển, không có đất nông nghiệp, Cảnh Dương đã và đang đầu tư phát triển mạnh nghề khai thác hải sản, thương mại dịch vụ và sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Toàn xã hiện có hơn 500 tàu cá, trong đó có hơn 300 tàu công suất lớn, tham gia đánh bắt xa bờ.
Năm vừa qua, ngư dân Cảnh Dương khai thác được 4.260 tấn hải sản, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/năm và là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất toàn tỉnh.
"Địa phương chú trọng thu hút các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Với phương châm "dễ làm trước, khó làm sau", Cảnh Dương xây dựng nông thôn mới nâng cao bằng việc hoàn thành xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở 9 thôn của xã.
Đặc biệt, mục tiêu cuối cùng của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Chính vì vậy, trong những năm qua, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, Cảnh Dương đặc biệt chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân", ông Cao Qúy Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.