Nóng tuần qua: Sapa sắp có cảng hàng không?

Thúy Vy Chủ nhật, ngày 28/06/2020 16:01 PM (GMT+7)
Theo Quy hoạch Cảng hàng không Sa Pa giai đoạn đến năm 2030 có công suất 3 triệu hành khách/năm, 9 vị trí đỗ tàu bay.
Bình luận 0

Làm rõ phương án tài chính đầu tư sân bay Sa Pa

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ để tham gia ý kiến đối với chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Theo Bộ GTVT, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức lập và hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cảng hàng không (CHK) Sa Pa và đề xuất đầu tư theo hình thức PPP loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư khoảng 4.194 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh Lào Cai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tham gia vốn góp khoảng 1.196 tỷ đồng (28,5%).

img

UBND tỉnh Lào Cai  đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cảng hàng không Sa Pa

Được biết, theo Quy hoạch CHK Sa Pa giai đoạn đến năm 2030 được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2108/QĐ-BGTVT ngày 7/11/2019, CHK Sa Pa có cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, công suất 3 triệu hành khách/năm, 9 vị trí đỗ tàu bay.

Hiện nay, Tư vấn đề xuất phân kỳ đầu tư các công trình như: Đầu tư nhà ga hành khách công suất 1,5 triệu hành khách/năm (có khả năng mở rộng lên 3 triệu hành khách/năm), chưa đầu tư đoạn đường lăn song song và các đoạn đường lăn chờ của các đường lăn nối, đường lăn thoát nhanh, 5 vị trí đỗ tàu bay, phân kỳ đầu tư hệ thống giao thông và sân đỗ ô tô, chưa đầu tư cầu cạn, phân kỳ san nền khu vực phía Tây nhà ga hành khách... Với cảng hàng không mới, việc phân kỳ đầu tư là cần thiết giúp đảm bảo hiệu quả đầu tư khi mới hình thành thị trường.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng việc phân kỳ san nền khu vực phía Tây nhà ga hành khách sẽ rất khó khăn khi đầu tư mở rộng sau này vì phải nổ mìn phá đá, ảnh hưởng đến hoạt động và an toàn của cảng hàng không sau này. Do đó, Bộ GTVT đề nghị Tư vấn phân tích làm rõ đề xuất này, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện, giảm thiểu tác động đến hoạt động khai thác của Cảng.

Bộ Công Thương cảnh báo về xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) cho biết chính quyền Quảng Tây đang thực hiện nghiêm chế độ quản lý hàng hóa tại các chợ, siêu thị. 

img

Bộ Công Thương cảnh báo về xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Trong đó, tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ như chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và chứng từ mua hàng đối với nông sản dùng làm thực phẩm. 

Đồng thời, Quảng Tây sẽ chú trọng giám sát quản lý và loại trừ rủi ro dịch bệnh đối với các mặt hàng trọng điểm (tươi sống và động lạnh) như hàng thủy sản, các loại thịt gia súc gia cầm như thịt lợn, thịt bò, thịt cừu… Cơ quan chức năng tăng cường tổ chức lấy mẫu kiểm tra đối với các loại thực phẩm trọng điểm.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp và hộ sản xuất nông sản, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cường giám sát chất lượng, chủ động phối hợp với đối tác nhập khẩu tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực thẩm, truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, doanh nghiệp cần tích cực theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường để chủ động trong việc đưa hàng lên các cửa khẩu biên giới, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro và thời gian thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.

Trước đó, Bộ Công Thương đã dự báo về khả năng Trung Quốc tăng cường kiểm tra, giám sát khi quốc gia này phát hiện ra ổ dịch Covid-19 mới. 

Còn hơn 49.000 tỷ vốn đầu tư công vay nước ngoài chờ giải ngân

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 24/6, số giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của các Bộ, ngành, địa phương mới là 7.427 tỷ đồng, đạt 13,1% so với dự toán được giao.

Trong đó, giải ngân của các Bộ, ngành trung ương là 2.815 tỷ, đạt 15,46% so với dự toán được giao và giải ngân của các địa phương là 4.611 tỷ, đạt 11,98% so với dự toán.

Với các địa phương, cả nước cũng chỉ ghi nhận 14 tỉnh, thành phố giải ngân trên 20% kế hoạch vốn và 10 địa phương chưa giải ngân.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, nửa đầu năm qua, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 do đó các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi cũng gặp nhiều khó khăn.

Dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch 2020 cao gấp 3,6 lần so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức thấp nếu so với kết quả giải ngân của vốn đầu tư công trong nước (28,2%).

Cũng theo đánh giá của Bộ Tài chính, với tốc độ giải ngân hiện tại và tình hình dịch Covid-19, nếu không có giải pháp khắc phục sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ giải ngân vốn đã được giao.

Hà Nội phê duyệt đầu tư cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 trị giá 2.538 tỷ đồng

Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội vừa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy – giai đoạn 2 vượt sông Hồng, nối liền 2 quận Long Biên và Hai Bà Trưng.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nằm song song và cách tim cầu giai đoạn 1 21,25 m về phía hạ lưu với hình dáng tương tự cầu giai đoạn I. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với tổng chiều dài cầu và đường dẫn là 3.472 m, mặt cắt ngang cầu rộng 19,25 m (4 làn xe), chiều cao tĩnh không 11 m, khẩu độ thông thuyền lớn hơn 85 m. Phần cầu chính vượt dòng chủ có dầm hộp liên tục bê tông cốt thép dự ứng lực nhịp liên tục, đúc hẫng cân bằng, chiều dài 955 m.

Tổng mức đầu tư Dự án là 2.538,1 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 2.035 tỷ đồng… được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Tp. Hà Nội. Thời gian thực hiện Dự án là 2020 – 2022.

Được biết, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư năm 2011, do chưa bố trí được nguồn vốn nên phải giãn hoãn tiến độ.

Chi hơn 12.000 tỷ đồng tiền ngân sách cho phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng kinh phí ngân sách trung ương (do Bộ Tài chính cấp), ngân sách địa phương và kinh phí được các ngân hàng, tổ chức tín dụng hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đến tháng 5 khoảng hơn 13.248 tỷ đồng.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ người chăn nuôi lợn tại 63 tỉnh/thành phố cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ 606 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho hơn 163 tỷ đồng dư nợ; cho vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh dư nợ 479 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/5, tổng số kinh phí đã chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là trên 12.000 tỷ đồng, bằng khoảng 98% nhu cầu kinh phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kinh phí tiêu hủy lợn mắc bệnh, hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Trong năm 2020 (tính đến 31/5/2020), Bộ Tài chính đã bổ sung thêm từ ngân sách trung ương cho các địa phương là 489 tỷ đồng. Tổng kinh phí trung ương đã xuất cấp hỗ trợ 56 tỉnh, thành phố từ năm 2019 đến hết tháng 5/2020 là 5.459 tỷ đồng, tương đương khoảng 72% số kinh phí ngân sách trung ương dự kiến phải hỗ trợ địa phương.

Hiện nay, còn lại khoảng 2.100 tỷ đồng ngân sách trung ương phải hỗ trợ. Tuy nhiên các địa phương phải có báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước), Bộ Tài chính sẽ xem xét, hỗ trợ theo quy định.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem