Nữ dược sĩ dân tộc Chăm đồng hành với công tác thiện nguyên, bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ ba, ngày 11/04/2023 14:51 PM (GMT+7)
Ngoài vai trò nhân viên ở Trạm y tế xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai chị Wa Hi Da Bi Vi (dân tộc Chăm) còn được biết đến qua công tác thiện nguyện, bảo tồn văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Bình luận 0

Nữ dược sĩ dân tộc Chăm đồng hành với công tác thiện nguyên, bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Chị Wa Hi Da Bi Vi thực hiện công việc chuyên môn tại Trạm y tế xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc). Ảnh: S.Thao

Mới đây, chị Wa Hi Da Bi Vi đã được UBND tỉnh tặng bằng khen người DTTS tiêu biểu tỉnh Đồng Nai.

Góp sức bảo tồn nét đẹp dân tộc

Để bảo tồn những điệu múa Chăm cũng như đưa những hình ảnh này đến với mọi người, thời gian qua, chị Wa Hi Da Bi Vi đã duy trì đội múa dân tộc Chăm tại địa phương, chủ động đăng ký biểu diễn ở các chương trình trong dịp lễ ở cộng đồng, ấp, xã, huyện.

Chị Wa Hi Da Bi Vi cho hay, nhiều năm qua, cứ mỗi tối chị lại cùng 20 thiếu niên trong xóm tập trung về Nhà văn hóa dân tộc Chăm để tập luyện. Ban đầu, nhiều em thiếu niên thấy khó nên nản. Nhưng qua sự động viên của chị cùng các bạn và cha mẹ, các em đã quay lại luyện tập. Đến nay, các thành viên trong đội múa thường xuyên góp mặt trong những chương trình văn nghệ của địa phương.

Để những điệu múa đúng, chuẩn, ngoài việc truyền lại những gì mình được dạy, chị Wa Hi Da Bi Vi còn khuyến khích và nhờ những người phụ nữ có kinh nghiệm trong làng đến để chỉ dạy thêm. Đồng thời, làm khán giả cho các em cũng như chính chị. Không những vậy, chị còn sáng tác nhiều tiết mục mới để đội múa tập luyện, trình diễn bên cạnh các điệu múa truyền thống. Điều này được mọi người trong cộng đồng rất ủng hộ.

Song song đó, để có trang phục biểu diễn cũng như đồ ăn nhẹ, nước uống bồi dưỡng cho đội múa trong từng buổi tập hay khi tham gia chương trình biểu diễn, chị Wa Hi Da Bi Vi trích từ tiền lương hàng tháng của mình. Ngoài ra, chị vận động thêm từ bạn bè để tạo động lực cho các em thiếu niên, giúp đội múa duy trì hoạt động thường xuyên, không bị ngắt quãng.

Trong các dịp lễ hội, những chương trình lớn được tổ chức ở địa phương hay khi tham gia các chương trình tuyên dương khen thưởng, chị Wa Hi Da Bi Vi luôn tự hào khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc Chăm. 

Chị Wa Hi Da Bi Vi chia sẻ: “Thông qua việc mặc trang phục truyền thống đến các sự kiện, lễ hội, tôi muốn truyền thông điệp đến các em nhỏ của dân tộc Chăm hãy luôn tự hào về trang phục của dân tộc mình. Đó là nét đẹp riêng có của mỗi dân tộc, cần được bảo vệ, giữ gìn. Khi khoác lên mình trang phục của dân tộc, tôi luôn cảm thấy tự tin”.

Giúp cộng đồng nâng cao kiến thức, nhận thức

Với vai trò là Phó Bí thư Chi bộ ấp 4, dược sĩ công tác tại Trạm y tế xã, chị Wa Hi Da Bi Vi là người nhận được sự tín nhiệm của cộng đồng. Nhiều người dân thường xuyên tìm đến chị để tham khảo ý kiến khi gặp phải một vấn đề gì đó trong cuộc sống, đặc biệt liên quan đến sức khỏe.

Chị Wa Hi Da Bi Vi bộc bạch: “Thực tế công tác tại trạm y tế tôi nhận thấy còn rất nhiều bà con trong cộng đồng khi mắc bệnh thường chủ quan, chỉ ra tiệm thuốc mua về uống mà không đi khám khiến bệnh trở nặng nguy hiểm. Do đó, trong khả năng và hiểu biết của mình, tôi tư vấn cho bà con những dấu hiệu nhận biết các bệnh thông thường, động viên những người có triệu chứng của bệnh chủ động đến thăm khám tại cơ sở y tế sớm nhất để được chẩn đoán đúng bệnh, điều trị kịp thời, tránh trường hợp bệnh chuyển nặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân cũng như tốn kém nhiều chi phí điều trị bệnh sau này”.

Ngoài ra, để các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, công tác chăn nuôi, trồng trọt của bà con trong làng bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống được dịch bệnh, chị Bi Vi thường xuyên nhắc nhở mọi người thực hiện đúng việc ăn chín uống sôi, giữ gìn nhà cửa thông thoáng, không để chất thải chăn nuôi chảy tràn lan ra môi trường… Từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, xây dựng hình ảnh địa phương đẹp hơn.

Anh Trường Giang (dân tộc Chăm, ngụ xã Xuân Hưng) cho hay, thời gian qua nhờ sự tích cực, nhiệt tình cùng những kiến thức mà chị Wa Hi Da Bi Vi chia sẻ, bà con trong cộng đồng ngày càng chú trọng nhiều hơn đến chăm sóc sức khỏe. Mọi người cũng lưu tâm đến giữ gìn vệ sinh môi trường không chỉ trong gia đình mà khu vực xung quanh nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh

Là một đảng viên trẻ, chị Wa Hi Da Bi Vi còn thường xuyên động viên, khuyến khích thanh thiếu niên địa phương tích cực tham gia các tổ chức hội, đoàn thể.

“Tôi kết nạp Đảng năm 2016, sau đó được tín nhiệm giữ chức Phó bí thư Chi bộ ấp 4. Đây là vinh dự lớn đối với bản thân tôi. Trong Chi bộ ấp 4 hiện có 13 đảng viên, trong đó có 2 đảng viên là người DTTS. Tôi luôn nỗ lực, phấn đấu để có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, trong đó có công tác phát triển Đảng”, chị Wa Hi Da Bi Vi chia sẻ.

Một điểm nổi bật khác là chị Wa Hi Da Bi Vi rất quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài tại địa phương. Theo chị Bi Vi, thông thường do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều trẻ em trong làng được cha mẹ cho học biết mặt chữ, biết làm toán rồi phải nghỉ học để phụ cha mẹ làm nông. Có em thì đến các khu công nghiệp để làm công nhân. Có rất ít các em được ăn học đến nơi đến chốn. Trong khi đó, Nhà nước thực hiện rất nhiều chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục để trợ giúp, hỗ trợ con em đồng bào DTTS.

Do vậy, để nâng cao dân trí cho thế hệ trẻ, chị Bi Vi đã gặp gỡ phụ huynh có con đang đi học để chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình và khuyên họ cố gắng cho con được tiếp tục đến trường để được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước. Khi các em có kiến thức, có trình độ sẽ dễ dàng tìm kiếm được công việc tốt, có tương lai tươi sang hơn là làm nông dân như cha mẹ hoặc làm công nhân, lao động phổ thông ở các nhà máy.

Nhờ việc tư vấn theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” của chị Bi Vi và sự tác động từ nhiều phía, đến nay việc học của con em trong cộng đồng xã Xuân Hưng ngày càng được quan tâm. Hiện tại địa phương có những em đang học ngành Y, nhiều em tham gia các chương trình đào tạo nghề.

PV (báo Dân Tộc và Phát triển)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem