Nuôi con đặc sản là nuôi con don, nuôi con dúi, một nông dân Đắk Lắk có tiền tỷ, như trúng số
Nuôi con đặc sản là con gì mà một anh nông dân Đắk Lắk thu tiền tỷ, cả làng phục lăn?
Nguyễn Đạt
Thứ hai, ngày 10/06/2024 05:21 AM (GMT+7)
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, chàng thanh niên Từ Dương Sơn (SN 1989) ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã kết hợp nuôi con don với dúi đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Dẫn PV Dân Việt đi thăm mô hình chăn nuôi của mình, anh Sơn cho hay, con dúi không còn xa lạ với nhiều bà con nông dân, nhưng don là loài mới được thuần hóa và đưa vào chăn nuôi nên với nhiều người vẫn còn khá lạ lẫm. Don còn có tên gọi khác là nhím đuôi dài, là loài gặm nhấm, thuộc họ nhím. So với nhím thì don nhỏ hơn, có đuôi dài và lông thô ngắn, dẹp.
Sinh viên bén duyên với mô hình nuôi dúi-con đặc sản
Giới thiệu về mô hình trang trại của mình, anh Dương cho biết, hiện trang trại của anh đang nuôi hơn 450 con don và hơn 1.400 con dúi má đào thái.
Trang trại anh Sơn hiện cho thu tiền tỷ mỗi năm nhờ kết hợp nuôi con đặc sản.
Nói về cơ duyên để biết đến con don, anh Sơn tâm sự, từ lúc còn là sinh viên ngành kĩ thuật nhưng đam mê chăn nuôi, trong một lần tình cờ nghe người thân nói về giá trị kinh tế của con don.
Anh đã tìm hiểu và mua giống về nuôi thử nghiệm, nhận thấy nuôi don mang lại lợi nhuận cao nên anh dần mở rộng quy mô như bây giờ.
Đánh giá về con don và con dúi, anh Sơn cho biết, cả don và dúi đều là loài dễ nuôi, dễ chăm sóc, thức ăn dễ tìm và đặc biệt hầu như không mắc bệnh, chúng chỉ mắc bệnh về đường tiêu hóa nếu nguồn thức ăn không đảm bảo, nhưng chữa trị cũng đơn giản bằng thuốc đường ruột thông thường.
Anh Sơn cho biết, thức ăn của don chủ yếu là rau, củ, quả như bí ngô, dưa, chuối… thậm chí cơm, cháo, cám don đều ăn được.
Mỗi ngày cho don ăn 2 lần, buổi sáng cho ăn rau, củ, chiều tối cho ăn thêm cháo hoặc cám tổng hợp để don mau lớn. Còn thức ăn của dúi chủ yếu là tre, bắp, mía, cỏ voi và có thể bổ sung thêm cám tổng hợp.
Theo như kinh nghiệm nhiều năm nuôi don và dúi, anh Sơn nhận xét, nuôi don và dúi khó nhất là vấn đề sinh sản.
Để don có thể sinh sản cần nuôi don ở môi trường bán tự nhiên, khu vực nuôi phải là nền đất, thông thoáng không bị ngập úng và tạo hang hốc để don ở, nếu nuôi nhốt don trên chuồng như những loài khác thì don sẽ không sinh sản được.
Còn với dúi lúc sinh sản cần chú ý tách riêng con non và con mẹ, để tránh trường hợp dúi mẹ dẫm đạp làm chết con non.
Thu nhập "khủng" mỗi năm
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Sơn cho biết, trên thị trường hiện nay don giống có giá từ 7 triệu đồng/1 cặp. Don thịt có giá từ 1,3 đến 1,8 triệu đồng/kg.
Dúi má đào giống có giá dao động từ 3 đến 7 triệu đồng/cặp tùy vào kích thước, trọng lượng dúi. Dúi má đào thịt có giá 800.000 đến 1 triệu đồng/kg.
Thông thường cả don và dúi sau một năm nuôi sẽ bắt đầu sinh sản. Don mỗi năm sinh sản 2 lần, mỗi lần từ 2-3 con.
Còn dúi mỗi năm sinh sản 3 lần, mỗi lần 2-6 con. Cả don và dúi sau từ 10 tháng tuổi là có thể bán thịt thương phẩm. Don sau 1 năm nuôi cho trọng lượng khoảng 4-6kg, còn dúi má đào cho trọng lượng 3-5kg.
Anh Sơn sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho các hộ dân muốn phát triển mô hình nuôi don và dúi.
Anh Sơn cho biết, mỗi năm mô hình chăn nuôi don và dúi của anh cho thu nhập khoảng 5 đến 6 tỷ đồng từ việc bán con giống và thịt thương phẩm ra thị trường.
Ngoài ra anh còn nhận đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc và bao tiêu đầu ra cho các hộ dân khi mua con giống của trang trại của mình về nuôi.
"Don và dúi là động vật hoang dã nên khi nuôi cần phải khai báo và được cấp phép của Chi cục kiểm lâm và chính quyền địa phương.
Do vậy nếu có nhu cầu phát triển chăn nuôi, mọi người cần lưu ý khi chọn trang trại uy tín, đảm bảo vật nuôi có nguồn gốc rõ ràng", anh Sơn nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.