Nuôi tôm thẻ trong nhà bạt ở Thái Bình, mỗi năm nuôi 3-4 vụ, nông dân 300-500 triệu
Nuôi tôm trong nhà bạt ở Thái Bình, mỗi năm nuôi 3-4 vụ, nông dân lãi 300-500 triệu
Thứ ba, ngày 29/11/2022 05:15 AM (GMT+7)
Sau hơn 40 năm, ông Đoàn Đình Chiến, xã Đông Minh (Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đã gây dựng được 1,2ha ao nuôi tôm thẻ công nghệ cao, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Tuổi thanh xuân tham gia bảo vệ đất nước, trở về cuộc sống đời thường, cựu chiến binh (CCB) Đoàn Đình Chiến, xã Đông Minh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) tích cực phát triển nuôi trồng thủy sản, tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng và giúp đỡ đồng đội vượt qua khó khăn.
Sau hơn 40 năm, ông đã gây dựng được 1,2ha ao nuôi tôm thẻ theo mô hình công nghệ cao, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao của cựu chiến binh Đoàn Đình Chiến, xã Đông Minh (Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).
Năm 2020, qua tìm hiểu thực tế nhiều mô hình, ông Chiến mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng cải tạo 2.000m2 ao nuôi tôm thẻ từ phương thức truyền thống sang nuôi trong nhà bạt theo mô hình công nghệ cao, trong đó xây dựng hệ thống lưới vòm, mua máy phát điện, lắp đặt hệ thống cung cấp oxy đáy ao, lót nền ao bằng bạt...
Ban đầu, do chưa có kỹ thuật nuôi tôm trong nhà bạt nên hiệu quả không cao. Mặc dù đã ở tuổi 70, sức khỏe có hạn nhưng ông không nản chí, quyết tâm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chịu khó học hỏi từ sách báo và các mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả.
Đồng thời, ông tranh thủ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm thẻ do ngành chức năng tổ chức.
Sau thời gian nghiên cứu qua từng vụ nuôi và học hỏi thêm kinh nghiệm, nhờ tuân thủ các tiêu chuẩn về tôm giống, thức ăn, nguồn nước nên tôm lớn nhanh, mang lại thu nhập cao.
Để bảo đảm nuôi tôm thẻ hiệu quả, ông Chiến chia làm 2 ao cho dễ quản lý môi trường ao nuôi. Sau khi mua tôm giống về, ông thả ương trong một ao riêng được vệ sinh sạch sẽ khoảng 30 ngày, khi tôm cứng cáp thì chuyển sang ao nuôi.
Quá trình nuôi tôm ông thường xuyên theo sát sự phát triển của tôm để có biện pháp chăm sóc phù hợp. Trước đây không có nhà bạt, ông Chiến chỉ nuôi được 1 - 2 vụ/năm, hiện nay có thể nuôi 3 - 4 vụ/năm. Ngoài nuôi tôm, ông còn nuôi cá song, cá vược.
Tổng diện tích các ao nuôi tôm của gia đình ông hiện nay 1,2ha. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi từ 300 - 500 triệu đồng.
Ông Trần Trung Kiên, Chủ tịch Hội CCB huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) cho biết: Để động viên hội viên CCB tập trung phát triển kinh tế gia đình, mọi hoạt động của Hội đều tập trung hướng về cơ sở, thường xuyên quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, gắn kết hội viên với tổ chức hội bằng cách vận động giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Tích cực tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi tôm vào sản xuất. Đối với CCB Đoàn Đình Chiến, ngoài nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, đồng chí còn nhiệt tình, trách nhiệm tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương.
Ngoài ra, đồng chí còn phổ biến cho bà con kỹ thuật nuôi tôm thẻ công nghệ cao, giúp các gia đình trong thôn cùng phát triển nuôi trồng thủy sản thành công. Bởi vậy, đồng chí luôn được đồng đội và bà con địa phương quý mến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.