Đặc trưng của vùng Bảy Núi ngoài cây thốt nốt còn có cây trâm sắn. Hàng năm, loài cây này đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Tuy nhiên vì lợi nhuận trước mắt, nhiều người dân ở xã Cô Tô và núi Tô của huyện Tri Tôn (An Giang) ồ ạt bứng cây bán cho thương lái vận chuyển ra ngoài tỉnh. Hệ lụy vùng đất này đang trở thành đồi trọc, mất đi cảnh quan, khô hạn...
Xe container chở những cây trâm cổ thụ.
Trưa 27-3, ghi nhận tại bãi tập kết (đối diện hồ Soài Check, thuộc ấp Tô Thuận, xã Núi Tô) có khoảng 10 người đàn ông nói giọng miền Trung, Bắc đang hì hục đưa 20 cây trâm có hình dáng “khủng” lên xe container.
Bãi tập kết trâm sắn.
Theo quan sát của phóng viên, tại bãi tập kết, các xe container mang đầu số: 29, 36, 73, còn xe tải đầu số 67. Những cây trâm cổ thụ dài gần 20m, đường kính rễ hơn 2m.
Tính luôn phần rể trâm cổ thụ nặng khoảng 5 tấn.
Trong vai khách du lịch, chúng tôi dò hỏi người bán nước tại đây, chị này cho biết: “Người dân bứng bán cho thương lái để vận chuyển cho các đại gia trồng ở biệt thự. Mỗi cây có giá từ vài triệu cho đến hàng chục triệu".
Nhóm người chở trâm cổ thụ từ Nam ra Bắc.
Lân la với nhóm người trên, chúng tôi được một người thanh niên hơn 35 tuổi cho biết: “Các đại gia rất ưa chuộng trâm sắn để trồng lấy bóng mát. Mỗi cây bứng gồm phần rễ và đất bên trong nặng khoảng 5 tấn. Mỗi xe chi phí vận chuyển từ đây ra Hà Nội từ 50 - 60 triệu đồng tiền công. Mỗi xe chở từ 3 – 4 cây và 2 ngày, đêm sẽ tới nơi".
Người này còn cho biết, trâm được thu mua trong dân diễn ra khoảng 1 năm nay. Đây là loại cây trồng rất dễ sống.
Một người có nước da đen ngăm tiếp lời: “Cây lớn đó là 60 năm tuổi trở lên. Năm 1979, tôi đến đây đã có vườn trâm này rồi và người dân khi đó đã bán trái. Để có trâm cung ứng cho các đại gia, “cò” vô gặp dân mua, sau đó chọn những cây lớn, đẹp thuê người bứng chở đi. Tính trung bình tiền thuê bứng, vận chuyện ra tới bãi mỗi cây khoảng 20 triệu đồng”.
Theo người đàn ông này, trâm sắn tập trung chủ yếu ở xã Cô Tô và Núi Tô. Theo tính toán của ông đến giờ khoảng 1.000 cây đã bứng khỏi địa phương.
Người dân địa phương lo ngại những hàng trâm cổ thụ dần biến mất.
“Trước đây chúng tôi qua các nước mua cây nhưng không “chung chi” nổi đành về đây. Khó khăn hiện tại là đường này cho trọng tải có 8 tấn. Trước đây, để vận chuyển trâm ra khỏi tỉnh phải có xã, kiểm lâm đóng mộc, còn giờ luật mới không cần, chỉ thống kê bao nhiêu cây, số xe là được”.
Thấy chúng tôi quan tâm, một thanh niên nói: “Cây này khai thác theo thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp mà. Khai thác theo dân chứ có ở rừng đâu…”.
Người dân địa phương lo ngại những hàng trâm cổ thụ dần biến mất.
Trâm ngổn ngang dọc hồ thủy lợi Soài Check.
Trò chuyện với chúng tôi xong, một nhóm 6 người điều khiển 3 chiếc xe tải vào ruộng để chở những cây trâm đã bứng trước đó.
Tìm về đường dẫn hồ Soài Check, chúng tôi phát hiện có hơn 10 cây trâm đã được bứng hạ chờ chở đi. Tiến sâu vào trong, chúng tôi thấy một nhóm 4 người đang cắt tỉa ngọn, dùng leng đào bứng một gốc trâm có hình dáng đẹp.
Một người dân canh tác gần đó cho biết: “Khu vực này trước đây trâm cổ thụ dày đặc nhưng nay giảm đi rất nhiều. Chúng tôi cảm thấy tiếc bởi cây này trước giờ cho thu nhập khá, ký bán vài chục ngàn đồng”.
Nhiều người đặt nghi vấn trâm được thu mua vận chuyển sang Trung Quốc.
Chứng kiến cảnh xe trọng tải lớn ra vào vận chuyển trâm, anh H. (một người dân địa phương) cho biết: “Việc bứng trâm bán diễn ra liên tục, nhất là khu vực gần chân đồi Tà Pạ. Khi họ mua là lấy nguyên rễ và đất xung quanh. Trâm được mua để làm kiểng phong thủy nên nhu cầu thời gian gần đây tăng cao. Chúng tôi tiếc vì loài cây đặc trưng của địa phương dần biến mất, mất hết cảnh đẹp quê hương”.
Ông Cao Quang Liêm, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết, từ nhiều ngày qua, thương lái đến địa phương mua trâm đẹp với giá khoảng 30 triệu đồng/cây. Địa phương đã biết và rất bức xúc về tình trạng này. Tuy nhiên hiện nay không có văn bản nào cấm việc mua bán loại cây này.
“Hiện địa phương cũng chưa có biện pháp nào ngăn chặn nên chỉ vận đồng người dân. Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo công an kiểm soát bằng cách cấm chở quá tải. Mong các ngành chức năng có biện pháp gì chứ không là hết loài cây đặc trưng của vùng Bảy Núi”, ông Liêm nóii.
Nhóm người đang bứng trâm.
Tháng 9-2015, người dân ở các xã như Văn Giáo, An Cư, Tân Lợi, Thới Sơn (huyện Tịnh Biên) ồ ạt bán thốt nốt cho thương lái. Tập kết đủ số lượng thương lái sẽ vận chuyển lên các tỉnh phía Bắc trước khi đưa sang Trung Quốc. “Thốt nốt nay không còn mua bởi trồng rất khó sống với lại nhiều nơi có”, một thương lái cho hay. |
Nguyễn Nhân (Báo CA TP HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.