Bắc Giang: Đây là cách liên kết giúp hội viên, nông dân huyện Hiệp Hòa làm ăn lớn, xây dựng mô hình tiền tỷ

Minh Ngọc Thứ tư, ngày 03/07/2024 12:44 PM (GMT+7)
Số mô hình kinh tế tập thể do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập trên địa bàn huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) phát triển cả về số lượng và chất lượng, có nhiều mô hình tiền tỷ. Khi tham gia vào HTX, Chi, Tổ hội nông dân nghề nghiệp như "sợi dây" liên kết giúp hội viên, nông dân tự tin làm ăn lớn, doanh thu tốt.
Bình luận 0

Trao đổi với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa cho biết, triển khai thực hiện các Nghị quyết, đề án của Trung ương Hội NDVN và Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, thời gian qua các cấp Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã tập trung xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể.

Theo đó, số mô hình kinh tế tập thể do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập trên địa bàn huyện Hiệp Hòa phát triển cả về số lượng và chất lượng. 6 tháng đầu năm, Hội Nông dân huyện đã hướng dẫn thành lập HTX Máy Nông nghiệp Trung Thắm (Thôn Trung Thành -Hùng Sơn). 

Xây dựng mới được 4 Tổ hợp tác gồm: Tổ hợp tác ươm và cung cấp cây giống, cây công trình thôn Hoàng Liên (xã Hoàng An); Tổ hợp tác liên kết sản xuất nông nghiệp, thôn Khúc Bánh (xã Thường Thắng); Tổ hợp tác Liên kết sản xuất bánh Chưng, bánh Giầy thôn Giang Tân (xã Thái Sơn); Tổ hợp tác trồng măng lục trúc Soi Quýt (xã Đồng Tân) và 1 Tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gà thương phẩm (thị trấn Thắng).

Đến nay, tổng số mô hình kinh tế tập thể do Hội Nông dân trực tiếp tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập và ra mắt là 12 HTX, với 124 thành viên; 18 Tổ hợp tác, với 161 thành viên; 7 Chi hội nông dân nghề nghiệp, với 128 thành viên và 56 Tổ hội nông dân nghề nghiệp, với 546 thành viên. 100% chi, tổ hội nghề nghiệp đều xây dựng được quy chế hoạt động và được Ban Thường vụ Hội Nông dân xã ra quyết định phê duyệt. 

Ở huyện Hiệp Hòa của Bắc Giang, nông dân làm nhiều mô hình tiền tỷ, có mô hình trồng tre lục trúc- Ảnh 1.

Mô hình trồng tre lục trúc lấy măng, bán giống tre lục trúc của Tổ hợp tác xã Đồng Tân, quy mô 3,5ha, sản lượng 1,3 tấn/ha, hiệu quả kinh tế 500 triệu đồng/ha. Cùng với đó, nhiều HTX, Tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp của nông dân huyện Hiệp Hòa cho doanh thu tiền tỷ, gọi là mô hình tiền tỷ. Ảnh: Vân Anh

Điển hình như mô hình chăn nuôi gà của Chi hội nông dân nghề nghiệp xã Hoàng An với quy mô 12.000 con, hiệu quả kinh tế 405 triệu đồng/lứa; Mô hình chăn nuôi lợn và chế biến của HTX NNHH Bình Minh Danh Thắng, quy mô 10 ha, hiệu quả kinh tế 42 tỷ/năm; Mô hình nuôi cá của HTX nuôi trồng thủy sản thôn Trung Sơn, xã Thái Sơn, quy mô 10ha, sản lượng 5-6tấn/ha, hiệu quả kinh tế 1,7tỷ /ha; Mô hình trồng măng lục trúc của Tổ hợp tác xã Đồng Tân, quy mô 3,5ha, sản lượng 1,3 tấn/ha, hiệu quả kinh tế 500 triệu đồng/ha...

Ông Nguyễn Phi Cử, xã Đồng Tân cho biết, năm 2017, nhận thấy lợi thế từ bãi bồi ven sông của địa phương ông đã đưa giống măng tre lục trúc từ huyện Tân Yên về trồng và bước đầu cho hiệu quả ổn định, hiện nay toàn gia đình ông trồng hơn 1,4ha.

Cây tre lục trúc này cho hiệu quả kinh tế từ gốc đến cành. Ngoài việc lấy măng, các cành tre có thể được chiết làm cây giống. Mỗi cây có thể cho tới 7 - 10 cây giống từ chiết cành. Mỗi cây giống có giá bán từ khoảng 70.000 - 100.000 nghìn đồng; cành chiết từ 40.000 - 50.000 nghìn đồng. Đối với măng thành phẩm giá bán khoảng 40.000 đồng/1kg măng tươi.

Hiện mô hình trồng măng tre lục trúc xã Đồng Tân có tổng diện tích 3,7ha, trong đó diện tích trồng cũ đã cho thu hoạch 1,7ha, diện tích trồng mới 2ha, tập trung chủ yếu ở thôn Giang Đông, Đồng Vân và Giang Tân.

"Trồng măng lục trúc không có nhiều rủi ro về sâu bệnh hay thời tiết nhưng để có được thành công cũng cần phải có thời gian, chú ý kỹ thuật, tìm hướng ra sản phẩm lâu dài", ông Cử nói. 

Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ mô hình này, đầu năm 2024 Hội nông dân xã Đồng Tân triển khai thành lập tổ hợp tác trồng măng tre lục trúc với 16 hộ gia đình là thành viên tham gia, đồng thời xã Đồng Tân cũng đã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP cho sản phẩm măng tre lục trúc của địa phương, tiến tới nhân rộng quy mô vùng trồng sản xuất tập trung.

Ở huyện Hiệp Hòa của Bắc Giang, nông dân làm nhiều mô hình tiền tỷ, có mô hình trồng tre lục trúc- Ảnh 2.

Mô hình nuôi dê sinh sản xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Ảnh: Vân Anh

Ngoài ra còn có các mô hình kinh tế tập thể cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng cây rau cần và chăn thả cá giống 185ha, với 1.600 hộ nông dân ở xã Hoàng Lương tham gia, sản lượng 130-150 tấn/ha, thu nhập 800 triệu đồng/ha; Mô hình chăn nuôi ngựa của Tổ hợp tác - Hùng Sơn, quy mô 60 con ngựa, hiệu quả kinh tế 4 tỷ/1 năm; Mô hình nhà màng trồng rau sạch Châu Minh của HTX nông nhiệp công nghệ cao Phúc lâm, quy mô 4.000m2, trồng dưa chuột, hiệu quả kinh tế 300 triệu đồng/năm; Mô hình sản xuất và tiêu thụ gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn quy mô 60 ha, với 646 hộ của 5 tổ hợp tác trên địa bàn xã Thái Sơn, sản lượng 4,3 tấn /ha, hiệu quả kinh tế 4,6 tỷ/ha.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa Nguyễn Thị Mạnh Hiền, thời gian tới, các cấp Hội trên địa bàn huyện sẽ tập trung tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, hội viên, nông dân về Nghị quyết số 46 ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; Quyết định số 182 ngày 20/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030"; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028; Nghị quyết của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, khóa X; Đề án số 09 ngày 15/4/2022 của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang về "Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 - 2025".

Đồng thời Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa sẽ tổ chức các Hội nghị triển khai kế hoạch và tổ chức tập huấn cho các cán bộ hội cơ sở về hướng dẫn xây dựng và thành lập các mô hình kinh tế tập thể (THT, HTX, Chi, Tổ hội nông dân nghề nghiệp).

Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp trong huyện sẽ tạp trung triển khai thực hiện các dự án từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cho hội viên vay vốn để phát triển kinh tế tập thể, phát triển các mô hình sản xuất theo quy mô hàng hóa, hình thành các sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, mở rộng các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, trong đó, đưa sản phẩm của các mô hình kinh tế tập thể lên sàn thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem