Phá rừng “bứng” cổ thụ

Thứ tư, ngày 19/01/2011 11:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chưa bao giờ người đi săn cây cổ thụ - đại thụ nhiều và ráo riết như hiện nay. Họ đánh cả xe tải, máy múc, cần cẩu và đủ các phương tiện hành nghề để phá rừng, “bứng” cổ thụ.
Bình luận 0

Theo chân người đi săn cổ thụ

Phan Cường là một tay nổi tiếng trong nghề săn cổ thụ ở Nghệ An. Cường trước đây làm nghề ươm cây cảnh bán nhưng khoảng 3 năm trở lại đây nhờ cơn sốt cổ thụ mà Cường đã thực sự đổi đời.

Cường bảo, nhiều người bây giờ không còn thích những cây “bon sai” thông thường nữa mà họ thích chơi những cây cổ thụ - đại thụ gốc gác sơn lâm, càng to lớn càng tốt.

Nhiều gia đình ở thành thị hay các khu du lịch họ muốn có một vườn cây tốt tươi mà không phải chăm bón và dày công chờ đợi cây phát triển đã bỏ ra hàng tỷ đồng để có được rừng cây như ý.

 img
Cây sanh vừa được một đại gia ở Yên Thành mua về trồng với giá 600 triệu đồng.

Chính điều đó đã tạo ra cơn sốt săn, tìm cây cổ thụ- đại thụ. Và cũng vì nguồn lãi lớn mà nhiều người đã sắm đồ nghề đi vào rừng sâu, núi thẳm, dọc bờ sông… bằng mọi cách để đưa cổ thụ về.

Cùng Cường đi săn cổ thụ, tôi đã chứng kiến một nhóm người cùng xe tải, cần cẩu, máy múc, máy cưa… đang tập trung bứng một cây si đại thụ ở bờ sông Lam huyện Anh Sơn. Theo kinh nghiệm của những người săn cổ thụ, những cây đẹp thường mọc 2 bên bờ sông với các thế - dáng bán rất được tiền. Những cây có dáng đẹp giá lên tới hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Chính vì vậy mà hiện nay dọc các bờ sông hầu như không còn các cây cổ thụ, đại thụ nữa. Hùng, một tay chuyên săn lùng cổ thụ đem bán cho các lái buôn tâm sự: “ Người tìm cổ thụ như tui nhiều lắm. Ở huyện Yên Thành có đến vài chục vị. Bây giờ đi săn thường húc phải nhau, nhưng xem ra vẫn đang còn làm ăn được.

Hiện nay ở rừng miệt trên như Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn … có nhiều cây đẹp nhưng khó nhổ vì đã có thổ công ở đó săn hết. Bây giờ bọn tui đi săn dọc bờ sông, thấy có cây đẹp là thuê cẩu, hoặc múc rất nhanh gọn.

Được cây rồi bọn tui đưa về nhà ươm và điện thoại cho các lái buôn như Cường đến mua”. Hiện nay mỗi huyện đều được các lái buôn cổ thụ đặt các “cộng tác viên”. Cộng tác viên được tập huấn “nghiệp vụ” nhổ cây và chăm sóc cây, rồi cộng tác viên mẹ đẻ ra cộng tác viên con, trở thành một đội quân chuyên săn lùng cổ thụ.

Anh bạn tên Cường của tôi đi đến rất nhiều điểm ươm cổ thụ ở Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương nhưng cuối cùng đánh xe không trở về. Tôi hỏi: “Sao không mua?”. Cường nói: Cái thời mình phải tự tay đi chặt, bứng cây về đã qua rồi. Các điểm chúng ta đến đều có cộng tác viên của tôi. Những cây cổ thụ đó ngay trong chiều nay sẽ đưa về điểm tập kết, mình sẽ điện thoại cho đàn em đánh xe tải đến lấy”.

Lúc sau Cường quay qua tôi nói tiếp: “Làm như mình đây vẫn thuộc diện cò con, nhiều đại gia cổ thụ làm ăn lớn gấp mấy mình đang có thị trường rộng khắp từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh. Một đại gia ở Nghi Lộc mới “trồng” 5 - 6 năm mà có cả rừng cổ thụ hàng ngàn cây, trị giá hàng trăm tỷ đồng”.

Cổ thụ đi về đâu?

Theo kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Trịnh Kiểm - Chánh Văn phòng Hiệp hội Cây xanh VN, việc đào bứng cổ thụ từ rừng về khiến hàng loạt cây nhỏ xung quanh bị đốn hạ, hệ sinh thái rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đất rừng sạt lở, gây nên lũ lụt…

Những cây cổ thụ- đại thụ được tập kết về địa điểm để nuôi nấng. Nơi đây có những chuyên gia ươm trồng, tiêm thuốc kích thích ra rễ, cắt tỉa, tạo dáng… Tôi đã đến nhiều địa điểm “ươm” cổ thụ ở Hà Nội, Thanh Hoá, Vinh (Nghệ An) thấy có đủ các loài cây, dáng cây, thế cây, gốc gác sơn lâm có đường kính lớn hơn 3m, rễ bò tứ tán, xù xì mốc thếch…

Những cây có thế như: Sòi giao long, lộc vừng (phụng bích toạ sơn); si (hạ long bách trụ) có tuổi, cao lớn, giá có thể lên tới chục tỷ đồng. Những điểm chuyên kinh doanh này cung cấp cây cổ thụ - đại thụ cho giới chơi cây cảnh khắp mọi nơi.

Nhiều cơ quan, đơn vị đã bỏ ra số tiền rất lớn để mua cổ thụ- đại thụ, nhằm tạo cảnh quan. Anh Hảo - một đại gia cổ thụ cho biết: “Không riêng gì Nghệ An mà nhiều tỉnh trên toàn quốc cũng đang lên cơn sốt săn lùng mua cổ thụ- đại thụ”.

Từ nhu cầu “đưa rừng về phố” của con người mà từng ngày, từng giờ, những cây cổ thụ - đại thụ có hình dáng đẹp ở các bờ sông, các làng quê, các cánh rừng bị săn lùng ráo riết, bứng tận gốc rễ chuyển về thành thị.

Những nét đẹp vô giá của thiên nhiên từng ngày từng giờ đang bị mất đi. Những gốc cây cổ thụ bám chặt bờ sông giữ cho đôi bờ vững chãi không bị xói lở, nay bị nhổ đi tạo đà cho sự xâm nhập của dòng nước, rứt đi từng mảnh hồn làng, gây sạt lở đôi bờ sông làm nên lũ lụt. Người ta nói nhiều về nạn lâm tặc nhưng kiểu lâm tặc cổ thụ này rất lạ là đi qua trót lọt nhiều địa phương, huyện, tỉnh, nhiều trạm kiểm lâm mà không hề gì!?

Còn nữa
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem