Phía sau nghề đẻ thuê: “Tạo” đất cho nông dân làm giàu

Thứ tư, ngày 16/03/2011 14:16 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhà nước nên có những quy định cụ thể tạo cơ hội cho nông dân được tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp.
Bình luận 0

Nhà khoa học đồng tình

Trước đây, khi kiến nghị những giải pháp phát triển nông nghiệp, Phó Giáo sư, tiến sĩ Đào Công Tiến - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng, cần khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế trang trại theo phương thức có tích tụ, tập trung thêm vốn và đất đai.

img
Được mùa ở Nông trường Cờ Đỏ - Cần Thơ.

Đồng tình vấn đề này, Giáo sư Võ Tòng Xuân - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, cũng cho rằng: “Tại Mỹ, bình quân một nông dân quản lý 125ha đất. Còn ở Úc, con số này là 250ha. Nhưng họ vẫn chiếm lĩnh tỷ trọng sản phẩm lớn. Vì thế, phải khuyến khích nông dân Việt Nam tích lũy đất, tập trung sản xuất hàng hoá”.

Một nền sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ như thực tế hiện nay thì làm sao đòi hỏi phát triển cho được hệ thống lưu thông, phân phối, dự trữ nông sản. Theo Giáo sư Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, quy mô sản xuất nhỏ khiến nông hộ bị chia cắt là một trong những thách thức trong phát triển nông nghiệp, cản trở việc áp dụng máy móc, tiến bộ khoa học kỹ thuật để tiến đến nền nông nghiệp công nghệ cao. Và phần lớn các nông hộ chỉ sản xuất để “cứu đói” cho gia đình là chính vì diện tích đất quá ít.

Muốn có một nền kinh tế hàng hóa thì phải có ít nhất hơn một nửa đến hai phần ba trong tổng số là hộ kinh tế gia đình lấy sản xuất hàng hóa làm mục tiêu.

Tích tụ và hiệu quả

Vụ đông xuân năm 2008, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) khảo sát tại huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) cho thấy, nếu canh tác trên diện tích dưới 0,5ha, chi phí sản xuất lên tới gần 10,2 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận chỉ hơn 15,7 triệu đồng/ha/vụ. Trong khi nếu canh tác trên diện tích từ 2ha trở lên chi phí chỉ vào khoảng 9,14 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt hơn 20,9 triệu đồng/ha.

Tích lũy ruộng đất, đa dạng quyền sở hữu đất là cần thiết! Đừng lấy lý do sợ người nghèo mất đất để ngăn cản quá trình này. Nghèo có nhiều cách giải quyết, chẳng lẽ cứ để họ “ôm” đất mà vẫn nghèo? Thực tế ở ĐBSCL, nhiều hộ còn đất canh tác nhưng vẫn nghèo.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL phân tích thêm, cần tích lũy ruộng đất để được các vùng chuyên canh với diện tích khá rộng, cần có các trang trại, cần có những nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất… với những cá nhân chuyên nghiệp. “Việc này không phải chỉ cho sản xuất lúa gạo mà cho cả các ngành nông nghiệp khác như trái cây, thuỷ sản, rau màu” - ông khẳng định.

Được tự do tích tụ, chủ đất sẽ trở thành những “doanh nghiệp” nông nghiệp, tự chủ, tự quyết định phương án đầu tư và tìm đầu ra.

Giá thành sản phẩm cao do qua nhiều trung gian cũng dần xóa bỏ khi chủ đất có thể thành chính “thương lái” khi có số lượng hàng hóa lớn, tự đầu tư phương tiện chuyên chở. Và gánh nặng của ngân sách nhà nước để đầu tư thủy lợi, giao thông nông thôn, tiêu thụ nông sản... cũng giảm dần khi chủ đất tự đầu tư để bảo đảm quyền lợi của chính họ…

Nhưng tích tụ ruộng đất hiển nhiên sẽ dẫn tới sự chênh lệch giàu nghèo lớn, tạo khoảng cách và gây mâu thuẫn trong xã hội. Do vậy, Nhà nước cần tính xa hơn, tức phải tìm giải pháp để tăng cường lợi ích công cộng để cả cộng đồng cùng hưởng lợi.

Và điều mà nhiều người lo nhất chính là lượng lao động nông nghiệp dôi ra trong quá trình tích tụ ruộng đất. Quỹ đất không tăng, tức tích tụ sẽ tập trung ruộng đất vào một số người và dôi ra rất nhiều lao động. Nhưng tích tụ sẽ dẫn đến cơ giới hóa, tức giải quyết lao động chân tay không nhiều. Đây là vấn đề xã hội phải giải quyết.

Tiến sĩ Bảnh cho rằng, cần bố trí các ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn, đào tạo và giải quyết việc làm sao cho phù hợp. Do vậy, cần có kế hoạch dài hạn, cần quan tâm đến công nghiệp hóa nông thôn, cụ thể hoá Nghị quyết 26 về nông nghiệp-nông dân-nông thôn để nông dân có thể “ly nông bất ly hương".

“Nhà nước cần có những chính sách bổ sung kèm theo. Và nếu công nghiệp không giải quyết thỏa đáng nguồn lao động nông nghiệp, sẽ đẩy tình trạng này khó khăn hơn. Chắc chắn, Nhà nước cần phải có bước đệm, không thể làm ngay một lúc và thời gian ngắn hay dài tùy thuộc rất lớn vào trình độ quản lý Nhà nước” - Giáo sư Bửu nói thêm.

-------------

Bài cuối: Lo chuyện vốn liếng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem