Phú Thọ: Bến cát không phép, liệu có ai "chống lưng"?

Ngô Hùng Thứ sáu, ngày 13/07/2018 15:00 PM (GMT+7)
Nhiều bến bãi tập kết cát tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ mặc dù không phép, tuy nhiên vẫn ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong dư luận.
Bình luận 0

Để có góc nhìn đa chiều về vấn đề này nhóm PV Dân Việt đã nhiều ngày đi thực tế, nắm thông tin qua người dân trên địa bàn huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Men theo QL32C và tuyến Tỉnh lộ 317 không khó để PV nhận ra sự tồn tại của những bến cát lớn.

img

Những bãi cát không phép này nằm ngay cạnh đường lớn. Ảnh Ngô Hùng

Dừng chân tại địa bàn giáp danh hai xã Vụ Cầu và Vĩnh Chân huyện Hạ Hòa, chúng tôi ghi nhận được bãi tập kết cát rất quy mô, rộng đến cả hecta. Theo người dân sinh sống ở đây, bãi cát này đã tồn tại gần ba năm nay, bãi không đơn thuần chỉ là điểm tập kết của mỏ cát đã được cấp phép mà còn là nơi tập kết cát vàng từ huyện Đoan Hùng chuyển về.

Được biết đây là bến bãi của Công ty Đại Minh có địa chỉ tại xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn chúng tôi ghi nhận được số lượng xe vào ăn hàng khá nhộn nhịp.

Đáng lo ngại nhất là vị trí lập bến bãi nằm sát chân đê, do vậy đơn vị khai thác cho đổ cát tràn lên cả mặt đường ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông, gây nên bụi bẩn và sạt lở bờ sông khiến người dân rất bức xúc.

img

Những xe trọng tải lớn thường đến "ăn cát", gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Ảnh Ngô Hùng

Việc tập kết cát tràn lên mặt đường, lấn chiếm hành lang an toàn đê không chỉ mới diễn ra mà đã tồn tại cả năm nay. Câu hỏi đặt ra là các đơn vị chức năng ở đâu, tại thời điểm đang là mùa mưa lũ, tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều sẽ dẫn tới nguy cơ mất an toàn. Cùng với đó những cỗ xe lặc lè cát đang hàng ngày, hàng giờ leo lên, leo xuống đang khiến con đê xung yếu phải oằn mình chịu trận.

Ông T, một người dân sống gần bãi cát cho biết: “Chúng tôi là người dân sống gần bãi khổ quá, vừa phải chịu bụi bẩn, tiếng ồn lại đứng trước nguy cơ mất nhà ở nếu cứ để tình trạng khai thác cát gần bờ như hiện nay”.

img

Cát được hút ngay ở sông lên bãi tập kết này. Ảnh Ngô Hùng

Đi thêm hơn chục km qua cầu Hạ Hòa, chúng tôi tiếp cận một bến bãi nữa theo tại xã Chuế Lưu (huyện Hạ Hòa), nằm sát QL32C là bến bãi của Công ty Thái Hưng Anh có địa chỉ văn phòng tại khu 8 thị trấn Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Quan sát nhanh có thể nhận thấy, việc tập kết cát với độ cao vượt quá quy định cùng với xe trọng tải lớn ra vào sẽ làm ảnh hưởng đến kết cấu nền hành lang an toàn của đê, gây tình trạng bụi bẩn và cản trở giao thông tại khu vực vào bến bãi khi xe quay đầu, lùi xe vào ăn hàng.

Được biết đây là vị trí xung yếu đã từng xảy ra tình trạng nước sông tràn qua đê gây nên úng ngập.

img

Việc tập kết cát không chỉ trái với quy định mà còn gây mất an toàn khi đến mùa mưa lũ. Ảnh Ngô Hùng

Đặc biệt, dù không giấy phép họat động bến thủy nội địa; không có quyết định xây dựng các hạng mục công trình bến; không có kế hoạch bảo vệ môi trường; vi phạm hành lang an toàn đê; không có quyết định giao đất hoặc hợp đồng thuê đất..., các doanh nghiệp vẫn công khai làm bến tập kết hàng trung chuyển vật liệu xây dựng rầm rộ.

Trao đổi với Dân Việt, ông Đàm Trung Kiên, Trưởng phòng TNMT huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ thừa nhận hiện nay trên địa bàn của huyện chỉ có hai công ty được cấp phép mỏ là Công ty Đại Minh và Công ty Thái Hưng Anh, nhưng chưa công ty nào hoàn thiện thủ tục lập bến bãi.

Phóng viên đặt câu hỏi: "Vì sao chưa có giấy phép mà những bến bãi này vẫn ngang nhiên hoạt động, liệu có sự “chống lưng” như dư luận phản ánh hay không?"

Ông Kiên phân trần: “Việc các Công ty chưa có phép bến bãi mà vẫn tập kết cát chúng tôi có biết, cũng đã nhắc nhở, thậm chí đã lập biên bản xử lý. Nhưng thực tế lịch sử để lại là khi cấp phép mỏ lại không đồng thời cấp phép bến bãi nên dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp không có chỗ chứa".

Cũng theo ông Kiên, hai địa điểm trên đều đã được quy hoạch bến bãi, đáng lẽ đã được cấp phép nhưng do vướng mắc về đền bù và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng nên thời gian bị lùi lại và đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng.

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi nếu chưa đầy đủ thủ tục, các công ty trên có được hoạt động bến bãi hay không, ông Kiên lại thừa nhận là theo quy định thì không được phép.

img

Ông Đàm Trung Kiên, Trưởng phòng TNMT huyện Hạ Hòa thừa nhận những bãi tập kết này hoạt động khi chưa đầy đủ thủ tục giấy tờ. Ảnh Ngô Hùng

Theo báo cáo từ Sở GTVT Phú Thọ, trong phạm vi cả tỉnh hiện nay có 109 bến đang hoạt động, phát hiện 52 bến không phép, 28 bến giấy phép hoạt động đã hết hạn. Đoàn liên ngành đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 71 bến với số tiền xử phạt 585 triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem