Quảng Ninh: Rừng phòng hộ bị “hô biến” thành đất trồng cây lâu năm

Vũ Thị Hải Chủ nhật, ngày 25/08/2019 14:19 PM (GMT+7)
Vài năm trở lại đây, khi một số tập đoàn kinh tế lớn có ý định đầu tư du lịch tại Cô Tô, thị trường đất đai ở hòn đảo này bỗng sốt lên xình xịch. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là các khu đất rừng cũng được rao bán với giá vài chục tỷ đồng. Thậm chí, những khu đất rừng đó được biến thành đất ở, đất trồng cây lâu năm có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hẳn hoi.
Bình luận 0

Bài 1: Rừng của người này biến thành đất trồng cây của người khác?

Trồng rừng từ năm 1995, đến năm 2017 khi rừng bị đốt, cây bị chặt phá, gia đình ông Bùi Đức Tuyến, trú tại thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô mới té ngửa: Cây của nhà mình đang trồng trên đất của người khác!?

“Hô biến” đất rừng liền kề thành đất trồng cây

Ông Bùi ĐứcTuyến, trú tại thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô thông tin, gia đình ông ra đảo khai hoang từ năm 1979. Năm 1995, thực hiện Chương trình 327, gia đình ông được giao 2ha đất để trồng rừng. Gia đình ông Tuyến đã được vay tiền để trồng bạch đàn trên diện tích 2ha đất nói trên.

Khu đất rừng của gia đình ông Tuyến nằm kề với diện tích đất ở và đất vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Chiên. Trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất UBND huyện Cô Tô cấp cho gia đình bà Chiên năm 2003 có ghi diện tích đất ở 400m2, đất vườn tạp là 200m2. Năm 2007, gia đình bà Chiên chuyển nhượng diện tích đất trên cho ông Vũ Thành Long.

Sự việc bắt đầu vỡ lở vào cuối tháng 6/2017, khi gia đình ông Long đốt rừng, chặt cây bạch đàn trên khu vực đất rừng đã giao cho gia đình ông Tuyến. Gia đình ông Tuyến cùng các lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm, chính quyền và nhân dân địa phương kéo đến dập lửa, ngăn chặn hành vi phá rừng của gia đình ông Long.

Tới lúc đó, tất cả mới ngỡ ngàng khi ông Long trình bày đất đó là của gia đình ông nhận chuyển nhượng từ bà Chiên, đã được cấp giấy chứng nhận đất trồng cây lâu năm, rừng bạch đàn của gia đình ông Tuyến hiện đang trồng trên đất của gia đình ông Long!?

img

Phần còn lại của rừng bạch đàn gia đình ông Tuyến

Đất rừng của dân đã bị “phù phép” như thế nào?

Để tìm hiểu “quy trình hô biến” đất rừng của gia đình ông Tuyến thành đất trồng cây lâu năm của gia đình ông Long, PV Dân Việt đã làm việc với UBND huyện Cô Tô, UBND xã Đồng Tiến và gặp trực tiếp bà Nguyễn Thị Chiên.

Theo đó, ngày 17/12/2003, gia đình ông Phạm Tiến Chuông (chồng bà Chiên) được cấp 600m2 đất, trong đó có 400m2 đất ở, 200m2 vườn tạp. Tháng 8.2007, bà Chiên đã thỏa thuận chuyển nhượng cho ông Vũ Thành Long lô đất có diện tích như trên. Hồ sơ chuyển nhượng đã được chuyển lên UBND xã Đồng Tiến và chuyển lên huyện Cô Tô để chuyển tên cho ông Vũ Thành Long.

Tuy nhiên, sau đó, vào tháng 11/2007 lại xuất hiện một bộ hồ sơ khác đề nghị cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Nguyễn Thị Chiên với diện tích đất ở là 400m2, đất vườn gắn liền với đất ở 10.556,25m2. Tiếp đó, bà Nguyễn Thị Chiên lại ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông Vũ Thành Long.

Tuy nhiên, trong hồ sơ cấp lại, cấp đổi cũng như hồ sơ chuyển nhượng, sang tên bìa đỏ cho ông Long đều không có chữ ký giáp ranh của hộ có rừng liền kề là gia đình ông Bùi Đức Tuyến. Chính vì không được giáp ranh nên phần lớn diện tích được ghi là đất vườn của hộ bà Chiên được cấp trong GCN QSD đất  năm 2007 trên thực địa bị trùm lên diện tích rừng cây bạch đàn 20 năm tuổi của gia đình ông Tuyến trồng, nhưng gia đình ông Tuyến không hề được biết.

img

Cây bạch đàn hơn 20 tuổi bị đốn hạ 

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, bà Nguyễn Thị Chiên thừa nhận gia đình bà có diện tích đất ở là 400m2, xung quanh là đất vườn (diện tích bao nhiêu bà không nhớ), liền kề với rừng bạch đàn của gia đình ông Tuyến. Về hồ sơ xin cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tăng diện tích đất vườn từ 200m2 (bìa đỏ cũ) lên hơn 10.556m2 (bìa đỏ mới), sau đó lại ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông Long, bà Chiên trả lời rằng không hề hay biết.

“Tôi đã bán cho anh Long và đã ký giấy chuyển nhượng diện tích đất đúng như ghi trong bìa đỏ được cấp năm 2003. Sau một thời gian anh Long đến và bảo tôi ký một tập hồ sơ nói là để hoàn thiện thủ tục sang tên anh Long. Anh Long lật giở từng tờ cho tôi ký. Do sơ suất, trời tối lại tin tưởng anh Long nên tôi cứ ký mà không đọc, không biết nội dung hồ sơ là gì” - bà Nguyễn Thị Chiên nói.

Làm việc với PV Dân Việt, đại diện UBND xã Đồng Tiến cũng khẳng định gia đình ông Tuyến có được giao đất trồng cây bạch đàn, diện tích khoảng 2ha (tương ứng số tiền được vay từ Kho bạc nhà nước là 2,4 triệu đồng). Việc chuyển nhượng đất của bà Chiên cho ông Long và chuyển đổi diện tích đất trồng cây từ 200m2 lên hơn 10.556m2 diễn ra từ 2007, cán bộ xã thời đó đã nghỉ hưu và chuyển công tác nên xã không nắm được.

Chúng tôi liên lạc với ông Trần Văn Dưỡng là cán bộ thẩm định - thời điểm đó là đại diện cùa Phòng Tài nguyên và Môi trường, sau này là Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất nhưng ông Dưỡng từ chối tiếp với lý do ông đã chuyển công tác, không còn giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất.

Hiện nay, gia đình ông Tuyến đã có đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo hành vi đốt phá, chặt cây rừng của ông Vũ Thành Long, đồng thời tố cáo hành vi tiếp tay chiếm đất rừng chuyển thành đất trồng cây lâu năm của một số cán bộ chính quyền huyện Cô Tô. Tuy nhiên đã nhiều tháng trôi qua, gia đình ông vẫn chưa nhận được hồi âm về những nội dung tố cáo trên.

Bài 2: Ai chịu trách nhiệm "hô biến" đất rừng thành đất trồng cây?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem