Trước đó vào ngày 23.3, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường để cho ý kiến về dự án Luật trẻ em. Đã có nhiều ý kiến đại biểu không tán thành việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi như đề xuất của dự thảo Luật.
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH về hai phương án. Theo đó, phương án 1: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi”; Phương án 2: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Kết quả lấy phiếu cho thấy: Có 340/397 ý kiến đồng ý phương án 2, chiếm 85,64% tổng số phiếu thu về; 50/397 ý kiến đồng ý phương án 1, chiếm 12,59% tổng số phiếu thu về.
Trẻ em vẫn là độ tuổi dưới 16 tuổi.
"Tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi như quy định tại Luật hiện hành" - bà Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết.
Ở khía cạnh khác, có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung những quy định về quan điểm hạn chế tình trạng vị thành niên mang thai và chống nạo phá thai trên cơ sở tăng cường chăm sóc, giáo dục, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, xử lý tình trạng trẻ em mang thai, giảm thiểu thiệt hại và chấn thương về tâm lý, sinh lý cho trẻ em.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến ĐBQH, đã bổ sung vào điều khoản trong dự thảo Luật quy định về việc Nhà nước bảo đảm “hỗ trợ” trẻ em trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với lứa tuổi. Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Y tế về việc “hỗ trợ” trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi.
Một số ý kiến ĐBQH cho rằng cần xem xét lại quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư, quyền tự do kết bạn của trẻ em tại trong dự thảo Luật, lý do vì các quyền này sẽ gây khó cho cha mẹ nếu muốn giám sát, kiểm tra, quan tâm đến mối quan hệ xã hội của con.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung, chỉnh lý quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em gắn với yêu cầu vì lợi ích tốt nhất của trẻ em và quy định cụ thể trách nhiệm của cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, các thành viên trong gia đình trong việc bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.
Luật trẻ em có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2017.
Cũng trong sáng 5.4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật báo chí (sửa đổi). Luật báo chí có 6 chương, 61 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2017.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.