Quyền lực màu trắng: Lý do người ủng hộ Clinton diện bạch phục đi bỏ phiếu

Phương Đăng Thứ ba, ngày 08/11/2016 16:30 PM (GMT+7)
Người ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đang rầm rộ phát động phòng trào mặc đồ trắng đi bỏ phiếu (#WearWhiteToVote) trên mạng xã hội. Phong trào này ẩn chứa nhiều ý nghĩa, bao gồm thông điệp mạnh mẽ về quyền bầu cử cũng như hình ảnh về người phụ nữ đầu tiên đại diện cho một chính đảng tranh cử ghế tổng thống.
Bình luận 0

img

Người ủng hộ bà Clinton đang kêu gọi diện trang phục màu trắng đi bỏ phiếu.

Phong trào mặc trang phục trắng đi bỏ phiếu (#WearWhiteToVote) được những người ủng hộ bà Clinton phát động mạnh chủ yếu trên mạng xã hội Facebook và Twitter.  

Phong trào này gần giống với phong trào mặc áo vest đi bỏ phiếu mà người ủng hộ bà Clinton phát động vài tuần trước. Vest là loại trang phục yêu thích của ứng viên đảng Dân chủ khi nó phản ảnh hình ảnh của một người phụ nữ quyền lực.

Tuy nhiên, phong trào #WearWhiteToVote quy mô hơn, mang nhiều ý nghĩa về cả mặt lịch sử lẫn tính thời sự.  

img

Một người ủng hộ phong trào #WearWhiteToVote mặc trang phục trắng đi bỏ phiếu

Theo đó, về mặt lịch sử, màu trắng là biểu tượng cho quyền bầu cử của phụ nữ bắt nguồn từ nước Anh năm 1908, khi Liên hiệp chính trị và xã hội phụ nữ chọn 3 màu làm đại diện cho cuộc biểu tình ở Công viên Hyde, London: màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, màu tím cho phẩm giá còn màu xanh lá cây tượng trưng cho hy vọng.

Trong những năm 1900, những phụ nữ đòi quyền bầu cử ở Mỹ cũng mặc trang phục màu trắng để tuần hành.

Sau khi được công nhận quyền bầu cử của phụ nữ, phong trào mặc đồ màu trắng đi bỏ phiếu từng nhiều lần được phát động lại để thể hiện sự đoàn kết và tôn vinh những thành tựu trong lịch sử.

Ngoài ra, khi bà Shirley Chisholm trở thành người Mỹ gốc phi đầu tiên được bầu vào quốc hội năm 1968, bà đã mặc một bộ đồ màu trắng.

img

Bà Shirley Chisholm trong trang phục trắng sau khi được bầu vào quốc hội Mỹ năm 1968.

Chưa hết, hàng nghìn phụ nữ cũng tổ chức diễu hành tại Washington để ủng hộ việc sửa đổi Quyền Bình đẳng năm 1978, họ cũng mặc đồ màu trắng.

img

Phụ  nữ Mỹ diện trang phục trắng diễu hành tại Washington năm 1978

Năm 1984, khi bà Geraldine Ferraro trở thành ứng viên phó tổng thống đầu tiên, bà cũng mặc đồ màu trắng khi phát biểu diễn văn trước đông đảo công chúng.

img

Bà Geraldine Ferraro mặc vest trắng tại Đại hội đảng Dân chủ năm 1984 ở San Francisco, California

Trong đại hội đảng Dân chủ Mỹ ngày 28.7 khi bà Hillary Clinton chính thức trở thành ứng viên tổng thống đại diện cho đảng và trong cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ 3 hồi tháng 10 với đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump, bà Hillary Clinton cũng mặc một bộ vest trắng nhằm truyền tải thông điệp về nữ quyền một cách mạnh mẽ nhất.

Valerie Steele, giám đốc Bảo tàng tại Viện Công nghệ Thời trang (FIT) ở thành phố New York từng bình luận rằng việc bà Clinton sử dụng màu trắng để gây liên tưởng đến phong trào phụ nữ đòi quyền bầu cử có ý nghĩa rất to lớn.

img

"Đây là cách sử dụng quần áo để truyền thông điệp thông qua thị giác. Theo quan niệm phương Tây, màu trắng mang ý nghĩa về sự tinh khiết và đức hạnh, đại diện cho người tốt. Không phải ai cũng biết những người phụ nữ đòi quyền bầu cử trong quá khứ thường mặc đồ trắng, nhưng một khi họ đã biết, điều đó càng củng cố tầm quan mang tính lịch sử khi bà Hillary có khả năng trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên", Steele nhấn mạnh.

"Việc lựa chọn một bộ đồ màu trắng cho cuộc tranh luận đã nhắc lại quá khứ không quá xa, khi những người phụ nữ mặc trang phục màu trắng để đấu tranh cho quyền được tự do bầu cử của mình", Booth Moore, biên tập viên thời trang cao cấp của The Hollywood Reporter bình luận về việc bà Clinton mặc vest trắng trong cuộc tranh luận trực tiếp lần 3.

Theo đó, ngày 8.11, chúng ta có thể sẽ chứng kiến thêm rất nhiều phụ nữ, những người ủng hộ bà Clinton diện trang phục màu trắng đi bỏ phiếu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem