Quyết định 182 của Thủ tướng: Cơ hội để kinh tế tập thể phát triển đúng định hướng, bền vững và hiệu quả
Quyết định 182 của Thủ tướng: Cơ hội để kinh tế tập thể phát triển đúng định hướng, bền vững và hiệu quả
Tuyết Nhung - Trần Hậu
Chủ nhật, ngày 25/02/2024 15:38 PM (GMT+7)
"Quyết định số 182 của Thủ tướng về Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” đã mở ra cơ hội để kinh tế tập thể phát triển đúng định hướng, bền vững và hiệu quả". Đó là khẳng định của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Nguyễn Văn Nhi – Giám đốc Hợp tác xã nấm Nhơn Phước (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cho biết, năm 2015, Hợp tác xã nấm Nhơn Phước được thành lập với sự tham gia của 7 thành viên, có tổng diện tích hơn 2.500m2. Từ đây, anh vừa cố gắng mở rộng quy mô trang trại nấm, vừa hăng hái giúp đỡ các xã viên kỹ thuật trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, nguồn vốn góp của thành viên còn hạn chế nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã gặp nhiều khó khăn, chưa mang tính bền vững. Cùng với đó, năng lực sản xuất, kinh doanh của đơn vị không đồng đều, các thành viên chưa tích cực tham gia vào kinh tế tập thể, thiếu sự gắn kết.
Ngoài ra, sản phẩm của hợp tác xã được tiêu thụ chủ yếu qua các kênh bán lẻ, thông qua các hội chợ giới thiệu sản phẩm địa phương.
Anh Nhi chia sẻ: "Khi Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, hợp tác xã và các thành viên có cơ hội để phát triển đúng định hướng, bền vững và có hiệu quả cao. Đặc biệt là trong tình hình mới, chúng tôi sẽ tích cực nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị; có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã.
Cùng với đó, chúng tôi mong rằng sẽ tiếp tục được các cấp ngành địa phương và Hội Nông dân quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nấm nhằm hạn chế phụ thuộc vào thời tiết, tăng sản lượng, hạ giá thành sản phẩm và đẩy mạnh tiêu thụ".
Ông Bùi Dũng – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) bộc bạch: "Là vùng trồng rau trọng điểm của thành phố, hợp tác xã không chỉ thu hút đông đảo thành viên tham gia sản xuất trên diện tích 8ha, nâng cao thu nhập, mà nơi đây còn là điểm tham quan, trải nghiệm lý tưởng trên địa bàn thành phố nhờ chú trọng đầu tư sản xuất theo mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, tập quán sản xuất của bà con nông dân thay đổi nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, mô hình sản xuất rau thủy canh còn hạn chế về quy mô, thị trường tiêu thụ hạn hẹp. Bên cạnh đó, thành viên hợp tác xã thường gặp rủi ro trong khâu sản xuất, còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa".
Do đó, Quyết định 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" chính là cơ hội để Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan định hướng cho xã viên và nông dân về tầm quan trọng của kinh tế tập thể và tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, bền vững; nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giám sát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, phát triển theo đúng định hướng xây dựng nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.