Ra yêu sách với Iran: Mỹ đang ảo tưởng sức mạnh

Tiểu Đào Thứ ba, ngày 22/05/2018 20:30 PM (GMT+7)
Đưa ra yêu sách 12 điểm buộc Iran phải làm theo nếu không muốn phải "chật vật cứu vãn nền kinh tế", chính Mỹ đang ảo tưởng với tham vọng của bản thân.
Bình luận 0

img

Ngoại trưởng Mike Pompeo (trái) và Tổng thống Donald Trump

Vào sáng thứ Hai (21.5), tại trụ sở Quỹ Di sản ở Washington (Mỹ), Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có bài phát biểu về cái gọi là “Hậu Thỏa thuận: Một chiến lược mới dành cho Iran”. Có lẽ, kéo dài hơn 26 phút này có thể tóm gọn thái độ của Mỹ với Iran trong 6 chữ: “Theo thì sống, chống thì chết”.

Đây chính là ý tưởng mới của Tổng thống Donald Trump – người luôn tự hào bản thân là một bậc thầy của nghệ thuật thỏa thuận sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Kế hoạch chung toàn diện (JCPOA) hay còn được biết đến với cái tên Thỏa thuận hạt nhân Iran nhằm tác động trực tiếp tới không chỉ bản chất của nhà nước Iran mà còn cả các nguyên tắc đối ngoại cốt lõi của quốc gia Trung Đông này.

Với ông Trump và các cộng sự, chiến thuật rất đơn giản: tàn phá nền kinh tế Iran bằng các lệnh cấm vận được Ngoại trưởng Pompeo quảng cáo là “mạnh nhất trong lịch sử” để Iran phải “tự nguyện một cách bắt buộc” đáp ứng yêu sách của Mỹ, thay đổi bản chất nhà nước của mình.

Có lẽ, chính quyền của Tổng thống Trump không hiểu được điều này: mọi chính sách đối ngoại cần phải dựa trên tình hình chính trị thực tế chứ không phải ảo tưởng. Trong tầm nhìn của ông Trump và ông Pompeo, Iran “chỉ cần” thả con tin người Mỹ, chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo, rút khỏi Syria, chấm dứt hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang trong khu vực,… Trong tầm nhìn ấy, “chỉ cần” đáp ứng đủ 12 điểm, cả Mỹ, Iran và thế giới đều có lợi, hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới được lặp lại.

Thế nhưng, nếu mọi thứ đơn giản như vậy thì vấn đề Iran đã không đến tay vị Tổng thống doanh nhân giải quyết.

Đáng lẽ, nước Mỹ đã có thể mềm dẻo hơn, ở lại JCPOA để xây dựng niềm tin lẫn nhau với Iran và từ đó tiến tới đạt thêm thỏa thuận về các vấn đề mà Washington lo ngại. Tuy nhiên, việc rút ngay ra khỏi JCPOA đã “hủy diệt” mọi khả năng thỏa thuận với một Tehran nay đã mất niềm tin vào người Mỹ.

Phải chú ý rằng, chính quyền ông Trump không hoàn toàn quên về JCPOA. Trong yêu sách 12 điểm được Ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra, Washington vẫn để lại một điều khoản yêu cầu Tehran phải đồng ý với một thỏa thuận hạt nhân khác có nội dung gần giống với JCPOA để đổi lại việc được dỡ cấm vận, phục hồi hoàn toàn quan hệ ngoại giao và được cộng đồng quốc “chào đón” trở lại.

Vẫn lại là “cây gậy và củ cà rốt”, vẫn là chiến thuật mà Mỹ từng dùng với Đại tá Muammar Gaddafi. Chắc chắn, bài học Libya vẫn chưa bị người Iran quên. Hơn thế, quyết định rút khỏi JCPOA còn đang làm cho bài học này ngày càng thấm thía hơn bao giờ hết.

Hiện, không rõ Ngoại trưởng Pompeo mong đợi chiến thuật mới này sẽ cho ra kết quả như thế nào. Trong tình hình hiện tại, lệnh cấm vận của Mỹ sẽ chỉ “mạnh nhất lịch sử” nếu được cả thế giới ủng hộ.

Thế nhưng, không chỉ Trung Quốc và Nga mà cả các đồng minh ruột là Anh, Pháp và Đức cũng phản đối. Thậm chí, EU còn đang tìm cách giúp cho các doanh nghiệp trong khối né tránh lệnh cấm vận.

Hiện tại, chỉ có Mỹ đang ảo tưởng với tầm nhìn phi thực tế của chính mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem