Sa Huỳnh ngày cận Tết, ngát hương bánh nổ

Đức Cường Chủ nhật, ngày 26/01/2014 13:45 PM (GMT+7)
Bánh nổ Sa Huỳnh nức tiếng thơm ngon, góp phần tạo nên “hương vị Sa Huỳnh” trong lòng du khách đến với vùng biển đẹp đầy mộng mơ.
Bình luận 0

Sa Huỳnh, vùng đất phía Nam tỉnh Quảng Ngãi gắn với nền văn hóa có niên đại khoảng 3.000 năm trước. Sau khi thưởng ngoạn khung cảnh nên thơ với ‘cát vàng, biển xanh”, du khách tha hồ thưởng thức các món hải sản tươi ngon vừa đánh bắt từ biển cùng các món đặc sản như: mắm nhum, chả cá, nước mắm Sa Huỳnh…

Và những ngày giáp tết, dọc theo tuyến QL1, đoạn qua Sa Huỳnh luôn ngát hương bánh nổ quyện trong gió xuân. Người dân nơi đây đắp lò, bắc chảo rang nếp làm bánh nổ dâng cúng tổ tiên, đãi khách trong những ngày Tết.

Bánh nổ được làm từ nếp ngự, loại nếp hạt căng tròn, cũng được dùng để gói bánh tét, bánh chưng, nấu xôi. Loại nếp này thường được gieo trồng ở các huyện miền núi Quảng Ngãi. Tuy vậy, nhiều người thích chọn nếp ngự canh tác tại thôn Đồng Vân để làm bánh. Có lẽ, đây là khu vực núi đồi nối liền vùng biển Sa Huỳnh nên hạt nếp mang hương vị núi rừng xen lẫn vị mặn mà của biển khơi.

 

Xên đường với gừng để trộn với bỏng nếp
Xên đường với gừng để trộn với bỏng nếp.
Đóng bánh nổ
Đóng bánh nổ.
Dùng dao thái bánh nổ thành từng lát mỏng
Dùng dao thái bánh nổ thành từng lát mỏng.

 

Vào tháng Mười âm lịch, những thửa ruộng lúa nếp chín vàng hòa vào màu xanh núi đồi tạo nên bức tranh thiên nhiên huyền ảo như mời gọi xuân về. Xóm làng nhộn nhịp cảnh thu hoạch và bảo quản nếp. Đến giữa tháng Chạp, khi hơi ấm đã xua tan rét lạnh, các mẹ, các chị cho nếp vào chảo rang trên lửa củi bập bùng. Bỏng nếp trắng tinh bung ra khỏi vỏ với những tiếng nổ tí tách, hương thơm ngào ngạt lan tỏa trong gió xuân.

Các bà, các mẹ lại nhanh tay giần, sàng nhặt vỏ trấu lẫn trong bỏng nếp rồi cho vào bao ủ ấm để giữ hương thơm. Đập dập gừng tươi, thái nhuyễn rồi cho vào nồi bắc lên bếp xên với đường đến khi vừa sánh đặc bốc mùi thơm thì nhấc xuống khỏi bếp. Trộn đều nước xên đường và gừng vào bỏng nếp rồi cho vào khuôn gỗ và dùng vồ đóng đều tay để bánh đủ độ kết dính khi thái lát, nhưng cũng không quá cứng khi thưởng thức. Tháo thỏi bánh ra khỏi khuôn gỗ với chiều dài khoảng 4 tấc, dùng dao sắc thái lát thành hình vuông, chữ nhật hay tam giác tùy thích. Tiếp đến, bày bánh lên nia sấy nhẹ trên than củi rồi cho vào bao ny lông hay thùng kín để bảo quản chờ đến Tết.

 

Lát bánh nổ bình dị mang hương vị đồng quê
Lát bánh nổ bình dị mang hương vị đồng quê.

 

Bánh nổ Sa Huỳnh chân quê, bình dị cùng các loại bánh, mứt dâng cúng tổ tiên trong những ngày Tết. Mùi thơm của bánh hòa quyện với khói hương làm cho không khí ngày Tết thêm thiêng liêng, ấm cúng, thể hiện lòng thành kính của gia chủ đối với người đã khuất.

Thưởng thức bánh với hương vị ngọt thơm của nếp, của đường xen lẫn vị cay của gừng cứ đọng mãi nơi đầu lưỡi. Miếng bánh xốp, mềm, tan dần trong miệng. Bánh nổ không thể thiếu trong nhiều gia đình mỗi khi tết đến xuân về, nhất là với các cụ cao niên, gợi lại ký ức đồng quê, níu kéo bước chân của những người con xa xứ trở về cố hương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem