Sau Bộ GTVT, Công ty Đèo Cả “dọa khéo” cả chính quyền Huế, Đà Nẵng?

Đình Thiên Thứ ba, ngày 30/10/2018 19:11 PM (GMT+7)
Sau khi đưa ra cảnh báo nếu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) không giải quyết các vướng mắc thì hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả có nguy cơ phải đóng cửa, Công ty Cổ phần Đầu tư (CPĐT) Đèo Cả cũng có công văn “dọa khéo” UBND Thừa Thiên Huế và UBND TP.Đà Nẵng.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, sự việc hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả có nguy cơ bị đóng cửa vì Công ty CPĐT Đèo Cả thiếu hụt nguồn thu do Bộ GTVT không cho mở trạm thu phí Nam Hải Vân để hoàn vốn trùng tu, vận hành hầm Hải Vân và mở trạm thu La Sơn – Túy Loan hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả khiến dư luận rất quan tâm những ngày qua.

Hôm nay (30.10), theo thông tin Dân Việt có được, ông Lưu Xuân Thủy - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty CPĐT Đèo Cả đã ký 2 công văn gửi tới UBND TP.Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để “đề nghị hỗ trợ đảm bảo công tác quản lý vận hành và bảo dưỡng thường xuyên hầm Hải Vân 1 và tuyến đường QL1A qua đèo Hải Vân".

Công văn gửi 2 địa phương trên ghi rõ: “Theo cam kết của Bộ GTVT, Công ty CPĐT Đèo Cả sẽ được thu phí tại trạm thu phí Nam Hải Vân từ ngày 1.1.2017 để hoàn vốn cho kinh phí ứng trước (từ tháng 11.2015 - 1.2017) và đảm bảo nguồn duy trì công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và đường QL1A qua đèo các năm tiếp theo”.

Vị Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty CPĐT Đèo Cả còn nêu rằng: “Trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, từ tháng 11.2015, nhà đầu tư ứng vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng tại ngân hàng Viettinbank để thực hiện đến hết năm 2016 hơn 88 tỷ đồng.

Đến nay, sau 3 năm nhà đầu tư đã ứng vốn cho công tác trên với kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Việc này đang gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, gây mất cân đối về tài chính dẫn đến không duy trì được nguồn kinh phí để đảm bảo liên tục công việc này, có thể làm gián đoạn lưu thông qua hầm Hải Vân, gây mất an toàn giao thông, gây ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của đời sống xã hội và nhân dân”.

img

Hầm Hải Vân trước nguy cơ phải đóng cửa vì Công ty CPĐT Đèo Cả không có kinh phí trả tiền vận hành? Ảnh: Đình Thiên 

Do đó, Công ty CPĐT Đèo Cả đã đề nghị UBND TP.Đà Nẵng và UBND tỉnh ThừaThiên Huế hỗ trợ “có ý kiến với Bộ GTVT về việc bố trí vốn đảm bảo kinh phí để duy trì liên tục công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và tuyến đường QL1A qua đèo Hải Vân”.

Ông Lưu Xuân Thủy cũng không quên “dọa khéo” chính quyền 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng: “Trong trường hợp vì các lý do khách quan như bị cắt điện, người lao động đình công… làm gián đoạn việc quản lý vận hành hầm Hải Vân 1, dẫn đến mất an toàn giao thông, đề nghị UBND TP.Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp và hỗ trợ Công ty CPĐT Đèo Cả giải quyết các vấn đề phát sinh đảm bảo công tác điều tiết giao thông trong hầm an toàn, thông suốt”.

Trước đó, vào ngày 18.10, ông Lưu Xuân Thủy cũng đã ký công văn gửi Bộ GTVT đề nghị bố trí kinh phí đảm bảo công tác quản lý vận hành và bảo dưỡng thường xuyên hầm Hải Vân 1 và tuyến đường QL1A qua đèo Hải Vân.

Công văn nêu: “Trường hợp Bộ GTVT không đảm bảo được nguồn kinh phí, để xảy ra việc cắt điện, công nhân vận hành đình công, nhà thầu dừng thực hiện công tác quản lý vận hành…dẫn đến gián đoạn và không đảm bảo an toàn của việc lưu thông qua hầm Hải Vân 1 từ thời điểm sau ngày 5.11.2018 trở đi, Bộ GTVT hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem