Siêu thị tính sai giá, nhầm giá khó chấm dứt nếu chỉ nhắc nhở

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 24/07/2021 10:16 AM (GMT+7)
Thay vì cố gắng bình ổn giá trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, vẫn có một số hệ thống siêu thị, cửa hàng có hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để nâng giá, thu lợi bất chính… gây khó khăn cho người tiêu dùng khiến dư luận hết sức bất bình…
Bình luận 0

Mới nhất, chiều 23/7, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP.Tân An (tỉnh Long An) đã lập biên bản vi phạm của nhân viên cửa hàng Bách Hóa Xanh (P.3, TP.Tân An) về hành vi tính tiền khối lượng chênh lệch cao hơn khối lượng người dân mua hàng. Cụ thể, khách hàng mua 0,75 kg thịt đùi heo bị tính tiền 1,3 kg; mua 0,6 kg cá nục bị tính tiền 1,2 kg; mua 1 kg cá saba bị tính tiền 1,6 kg.

Sau khi người dân phản ánh, nhân viên thanh toán tiền Bách hóa Xanh đã trả lại tiền tính chênh lệch.

"Sai giá, tính nhầm" sẽ khó chấm dứt nếu chỉ nhắc nhở… miệng - Ảnh 1.

Hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh liên tục dính "phốt" vì bán hàng sai giá, tính nhầm (Ảnh: Quốc Hải)

Liên tục "sai giá, tính nhầm"

Liên quan đến vụ việc, Đoàn kiểm tra liên ngành TP Tân An đã tiến hành lập biên bản đối với cửa hàng Bách hóa Xanh này. Đồng thời đề nghị cửa hàng gửi công văn giải trình về Phòng Kinh tế TP.Tân An trước ngày 26/7. Phòng Kinh tế TP.Tân An yêu cầu cửa hàng Bách hóa Xanh chấp hành nghiêm về niêm yết giá, bán đúng giá đã niêm yết và đặc biệt là tính tiền đúng khối lượng mà người dân đã mua… Nếu cửa hàng tiếp tục vi phạm sẽ tiến hành lập biên bản xử phạt theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương do thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn đầu, đã làm việc với hệ thống Bách Hóa Xanh về vấn đề cung ứng hàng hóa và việc tuân thủ các quy định trong kinh doanh.

Tại buổi làm việc, ông Trần Kinh Doanh - Tổng giám đốc hệ thống Bách hóa Xanh, thừa nhận: "Áp lực cầu thị trường tăng cao, khối lượng công việc lớn thì sai sót khó tránh khỏi và chúng tôi đã khắc phục ngay, đồng thời đưa ra thông điệp ngay trong ngày 21/7 là hoàn trả mọi chênh lệch thiệt hại, đền khách hàng thêm 100.000 đồng/lần mua hàng".

Tổ công tác Bộ Công thương nhấn mạnh, một số vi phạm như niêm yết giá, tính giá nhầm… cần phải khắc phục ngay cho dù cơ quan quản lý chia sẻ với doanh nghiệp, tuy nhiên doanh nghiệp cần chấn chỉnh vì theo quy định nếu có sai phạm sẽ phải xử lý.

Siêu thị tính sai giá, nhầm giá khó chấm dứt nếu chỉ nhắc nhở  - Ảnh 2.

Người dân xếp hàng ở Bách Hóa Xanh để chở mua hàng (Ảnh: Uyên Phương)

Không chỉ có Bách Hóa Xanh, trước đó 1 ngày (ngày 21/1), đoàn công tác của Tổng cục QLTT đã thông tin về kết quả kiểm tra, kiểm soát sơ bộ thị trường, giá cả hàng hóa tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Theo đó, trong ngày 21/7, đoàn công tác chia 3 tổ để đi giám sát 39 cửa hàng, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.  Theo quan sát của Dân Việt, hầu hết các vụ việc trên dù bị phát hiện nhưng cách xử phạt hành vi vi phạm chỉ dừng ở mức… nhắc nhở khiến dư luận chưa thể hài lòng.

Mức xử phạt được quy định ra sao?

Liên quan đến các vụ việc trên, luật sư Lê Bá Thường, đoàn luật sư TP.HCM, cho hay, đối với một số cá nhân, đơn vị kinh doanh lợi dụng tình cảnh dịch bệnh có hành vi găm hàng, đẩy giá lên cao, hay bán hàng không niêm yết giá… Hành vi này tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo LS Lê Bá Thường, căn cứ theo khoản 1 điều 11 Luật Giá năm 2012 quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chỉ được tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, ngoại trừ các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết theo quy định.

Siêu thị tính sai giá, nhầm giá khó chấm dứt nếu chỉ nhắc nhở  - Ảnh 3.

Để đảm bảo giãn cách theo quy định phòng chống dịch, người dân TP phải xếp hàng theo thứ tự để mua hàng tại các siêu thị (Ảnh: Uyên Phương)

Cụ thể, quy định xử phạt về hành vi bán hàng hoá, dịch vụ không niêm yết giá của cá nhân, đơn vị kinh doanh sản xuất, kinh doanh tại địa điểm phải niêm yết giá hoặc niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng; vi phạm nhiều lần, tái phạm sẽ bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện (Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013).

Đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính của tổ chức, cá nhân kinh doanh sẽ bị xử phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Và hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Ngoài ra còn bị hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật; Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng hoặc đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. (Điều 46, 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013).

Đồng thời, quy định về xử phạt đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý (Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP).

Hành vi lợi dụng dịch bệnh để bán hàng không đúng giá có thể bị xử lý hình sự

Hành vi lợi dụng dịch bệnh để bán hàng không đúng giá sẽ trở thành tình tiết tăng nặng tội danh trách nhiệm hình sự do lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội (điểm l khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015). Do đó, hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính sẽ bị xử lý hình sự "tội đầu cơ".

Đối với cá nhân vi phạm tùy theo số trị giá hàng hóa bán và số tiền thu lợi bất chính có thể sẽ bị phạt tiền mức cao nhất từ 1,5 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Đồng thời, bị phạt bổ sung với người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với pháp nhân thương mại vi phạm thì có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 9 tỷ đồng. Hình phạt bổ sung còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm (Điều 196 BLHS 2015).

Luật sư Lê Bá Thường, đoàn luật sư TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem