Sự thật về cái gọi là "Nhà nước Đê ga; Tin lành Đê ga" ở tỉnh Gia Lai: Bản án nghiêm khắc
Sự thật về “Nhà nước Đê-ga, Tin lành Đê-ga” ở Gia Lai (kỳ 3): Phía sau những bản án nghiêm khắc
Trần Hiền
Chủ nhật, ngày 28/11/2021 06:21 AM (GMT+7)
Sau những bản án nghiêm khắc, các đối tượng từng một thời mù quáng đi theo cái gọi là “Nhà nước Đê-ga; Tin lành Đê-ga” đã trở về với vợ con, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, cùng bắt tay nhau làm lại cuộc đời.
Clip: Lời thú tội của Siu Yúi trước cơ quan điều tra về hành vi sai trái khi đi theo cái gọi là "Nhà nước Đề ga; Tin lành Đề ga". Video: CACC.
Chính sách nhân văn với những người lầm lạc
Bên cạnh những biện pháp cứng rắn, tính nhân văn trong các chính sách của Nhà nước đã giúp các đối tượng lầm đường, lạc lối tin theo "Tin lành Đê-ga" hiểu rõ hành vi sai trái của mình. Nhờ những chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước họ đã thực sự hối cải, tiến bộ và trở lại với cuộc sống bình thường.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Đậu Văn Minh – Trưởng phòng An ninh đối nội (Công an tỉnh Gia Lai) cho biết, trong thời gian qua, lực lượng công an thường xuyên bám, nắm địa bàn, đặc biệt tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở ấy, lực lượng công an luôn tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
"Đặc biệt, liên quan đến các trường hợp còn tin theo Fulro và cái gọi là "Tin lành Đê-ga" lực lượng công an luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tìm hiểu đời sống của họ nhằm tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Từ đó, họ sẽ bỏ đi sự mặc cảm tự ti, để họ thấy rằng không có sự phân biệt đối xử với những người từng lầm đường lạc lối. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống, sinh hoạt tôn giáo đúng theo quy định của pháp luật", ông Đậu Văn Minh cho hay.
Theo ông Đỗ Xuân Hưng – Phó trưởng Công an huyện Phú Thiện (Gia Lai), đa số các đối tượng theo "Tin lành Đê-ga" là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Họ đi theo "Tin lành Đê-ga" phần lớn do bị lừa phỉnh rằng, sau này sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, được định cư ở nước ngoài, được chia nhà chia đất. Tuy nhiên, khi phát hiện ra bị lừa họ đã tự nguyện từ bỏ.
Nhận thấy cuộc sống của các đối tượng còn nhiều khó khăn, vì vậy Công an huyện Phú Thiện đã tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức giúp đỡ họ. Không phân biệt đối xử với số người này, để họ được thụ hưởng các chính sách, sự hỗ trợ của nhà nước để phát triển kinh tế.
"Đặc biệt, trong thời gian Covid-19 vừa qua, chúng tôi cũng đã nhiều lần quyên góp trong cán bộ, chiến sỹ; kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm để đi đến từng nhà có hoàn cảnh khó khăn trao hỗ trợ. Trong đó có một số đối tượng theo "Tin lành Đê-ga", giúp đỡ họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống và tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, từ bỏ những hoạt động sai trái", ông Hưng cho biết thêm.
Những cuộc đời được làm lại với niềm tin phía trước
Những cá nhân từng bị bọn phản động của cái gọi là "Nhà nước Đê ga; Tin lành Đê ga" lôi kéo, xúi giục, kích động tham gia biểu tình, gây rối đã phải trả giá bằng những bản án nghiêm khắc.
Giờ đây, khi được trở về địa phương sau quá trình cải tạo, nhiều người trong số họ đã từ bỏ Fulro, "Tin lành Đê-ga", chăm lo phát triển kinh tế gia đình, xây dựng những mái ấm hạnh phúc. Ông Siu Yúi (làng Klăh, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) là một trong những người như vậy.
Trước đây, ông Yúi từng được tổ chức phản động Fulro phong là "Chấp sự trưởng" của cái gọi là "Tin lành Đê-ga". Sau 7 năm cải tạo về tội "Phá hoại chính sách đoàn kết", ông trở về làng bắt tay phát triển kinh tế gia đình.
Với chí hướng làm lại cuộc đời, ông Yúi cùng vợ chăm sóc 4 ha cà phê, 1,5 ha điều, 1 ha cao su đã cho thu hoạch và 500 trụ hồ tiêu cùng vườn rau chừng 1.000 m2.
Ông Yúi còn mạnh dạn trồng thử nghiệm các giống cây mới trong vườn như bơ booth, sầu riêng hạt lép, chanh dây và áp dụng mô hình trồng rau sạch. Hai năm trở lại đây, vườn rau sạch mang lại cho vợ chồng ông trung bình 200.000 đồng/ngày.
Ông Yúi bộc bạch: "Tài sản lớn nhất của tôi là 6 người con và 9 đứa cháu. Giờ đây, tôi được về với vợ con, quây quần bên gia đình, sống những tháng ngày vui vẻ, hạnh phúc. Ở đời, ai cũng mắc sai lầm, nhưng quan trọng là phải biết đứng lên từ sai lầm đó. Đó cũng là lời tôi luôn nhắn nhủ đến những ai từng vấp ngã như tôi".
Tương tự, anh Kpă Thu (sống tại thôn Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) cũng từng nghe và tin theo những luận điệu lừa bịp, dụ dỗ, kích động của bọn Fulro tham gia biểu tình, đòi thành lập cái gọi là "Nhà nước Đê-ga".
Gần 2 năm sống trong trại tị nạn ở Campuchia, anh Kpă Thu mới thấm thía sự cơ cực, tủi nhục và hiểu rõ bản chất xấu xa, thâm độc của bọn phản động Fulro.
Anh Kpă tâm sự: "Trái ngược với sự thâm độc, dối trá của bọn phản động Fulro, khi trở về quê hương tôi được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân trong thôn bao dung, động viên, tạo mọi điều kiện để ổn định cuộc sống. Tôi bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình và tham gia các hoạt động xã hội. Giờ thì đã đủ cơm ăn, áo mặc, con cái được học hành đàng hoàng...".
"Tôi còn được bà con và các cấp tín nhiệm cho giữ chức Chi hội trưởng chi hội Hội nông dân thôn. Từ những gì đã trải qua, tôi khẳng định rằng: Không ở đâu bằng quê hương, đất nước mình. Đặc biệt là sự quan tâm, chăm lo phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương", anh Kpă Thu khẳng định.
Câu chuyện dần khép lại, mặt trời cũng đã xuống núi khi chúng tôi chia tay những ngôi làng trù phú, bình yên ở tỉnh Gia Lai. Điều trân quý nhất là phía sau những bản án nghiêm khắc ấy là những cuộc đời được làm lại với niềm tin mãnh liệt về một tương lại tốt đep. Đây cũng chính là những tuyên truyền viên giúp cho dân làng tránh xa những luận điệu xuyên tạc, lừa phỉnh của thế lực thù địch về một miền đất hứa không hề có thật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.