Tả tơi vùng tâm bão

Thứ tư, ngày 25/08/2010 06:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dọc Quốc lộ 1A từ thành phố Vinh ra huyện Quỳnh Lưu gió giật cấp 11, 12 thổi ràn rạ. Đường ngập; cây đổ; hàng loạt ô tô chết máy. Nhiều người đi xe máy bị bão thổi ngã, văng vật trên đường.
Bình luận 0

17 giờ chiều 24-8, chúng tôi có mặt tại Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Nghệ An, chứng kiến không khí làm việc khẩn trương của mọi người ở đây, không ai có thời gian dành cho phóng viên nhiều, điện thoại từ các địa phương và các ngành tới tập gọi về thông báo tình hình bão lũ, các cán bộ của Ban đang phải khẩn trương xử lý.

img
Bão số 3 làm đổ cây, sập tường một gia đình ở thị xã Cửa Lò, Nghệ An.

Ông Nguyễn Đình Chi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An có mặt tại đây cho biết ngắn gọn: Hiện tỉnh đang khẩn trương liên hệ với Trung tâm Cứu nạn hàng hải Việt Nam và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương điều ngay tàu đến cứu nạn một tàu hàng trọng tải 1.000 tấn, trên tàu có 12 thuỷ thủ đang bị nạn trên vùng biển Cửa Hội. Tàu này bị nạn từ 12 giờ trưa ngày 24-8, nếu không khẩn trương cứu, tàu sẽ bị chìm, đe doạ đến tính mạng thuỷ thủ.

Dọc Quốc lộ 1A từ thành phố Vinh ra huyện Quỳnh Lưu dài 80km gió giật cấp 11, 12 thổi ràn rạt, mỗi lúc mỗi lớn. Tâm bão đã chính thức vào Nghệ An. Mưa mỗi lúc mỗi to, đường ngập; cây đổ; hàng loạt ô tô chết máy. Nhiều người đi xe máy chưa kịp về nhà đã bị bão thổi ngã, văng vật trên đường.

Tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, nước nhấn chìm các cánh đồng.

Tại huyện miền núi Thanh Chương, Yên Thành; Diễn Châu từ sáng 24-8, bất chấp mưa lớn, nông dân huyện này đã ra sức thu hoạch lúa mùa, để tránh ngập úng, nhiều diện tích lúa chưa chín cũng được bà con chủ động gặt về nhà.

Người dân các huyện ven biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi lộc, Cửa Lò đã có các biện pháp neo chống nhà cửa. Tại bãi biển Cửa Lò, Cửa Hội, hầu hết các ki ốt, hàng quán đều được người dân chằng, néo an toàn, một số ki ốt tạm thời được dỡ bỏ để tránh ảnh hưởng của bão. Gió ở những vùng biển này giật rất mạnh, một số tàu thuyền nhỏ đã bị bão đánh chìm tại nơi neo đậu.

Nhiều đoạn đường ở TP. Vinh như đường Đinh Công Tráng, Đặng Thái Thân, ngập gần mét nước. Nhiều xe cộ bị chết máy nằm giữa đuờng gây ách tắc giao thông. Tại huyện Quỳnh Lưu đã phải di dời 650 hộ dân với 3.000 nhân khẩu về nơi an toàn.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết: Từ 13 giờ chiều 24-8, tất cả các trường học ở Nghệ An đều cho học sinh nghỉ học. Các trường căn cứ vào tình hình bão lũ để gọi học sinh trở lại trường sau bão.

Dọc các con đường ở TP. Vinh, bão vào làm cây xanh hai bên đường đổ rất nhiều, không đếm xuể; biển hiệu quảng cáo, tôn và ngói trên mái nhà bay tứ tung. Nhiều tuyến đường đã bị nhấn chìm trong nước, có nơi sâu đến gần một mét.

Quốc lộ 7 và 48 từ thành phố Vinh lên các huyện miền núi, ngay khi bão vào đã bị chia cắt. Tại các huyện miền núi, sạt lở đất đá đã xảy ra, nhiều tuyến đường bị ách tắc, không thể qua lại; nguy cơ lũ quét, lũ ống xảy ra bất cứ lúc nào. Điện đã mất diện rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

18 giờ ngày 24-8, các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Cửa Lò là những huyện ven biển tổ chức di dời hàng ngàn hộ dân trước nguy cơ bão lớn và ngập lụt. Lãnh đạo các địa phương cho biết, trong lúc này, việc di dời là rất khó khăn nhưng dứt khoát phải di dời để đảm bảo an toàn tính mạng người dân.

Trước đó, sáng 24-8, tỉnh đã có phương án di dời khẩn cấp 14.000 hộ dân với 74.000 người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem