Tài xế ngán ngẩm vì trạm thu phí “bủa vây”

Hữu Ký Thứ hai, ngày 14/08/2017 16:16 PM (GMT+7)
Trong khi các tài xế dùng tiền lẻ phản ứng trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) thì tại khu vực Đông Nam Bộ, nhiều tài xế cũng đang ngán ngẩm bởi trạm thu phí dày đặc trên các tuyến đường.
Bình luận 0

Ngao ngán với tiền phí

Trao đổi với Dân Việt, tài xế Nguyễn Văn Phương (ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, anh làm công việc chở hàng trên địa bàn Bình Dương, Đồng Nai và Bình Thuận. Hằng ngày xe tải của anh chạy qua các trạm với mức phí thường từ 20.000 - 22.000 đồng/lượt, nhưng mỗi ngày anh phải tốn hơn 200.000 đồng tiền phí, tức anh phải qua các trạm thu phí khoảng một chục lần/ngày.

"Từ khi có trạm thu phí đường tránh Biên Hòa (đường Võ Nguyên Giáp) mức phí đến 75.000 đồng, một chuyến tôi chở hàng đi Phan Thiết mất hết 150.000 đồng cho hai lượt. Đó còn chưa kể số tiền đóng khi qua các trạm thu phí khác", anh Phương ngao ngán nói.  

img

Giới tài xế ngán ngẩm vì trạm thu phí dày đặc ở khu vực.

Tương tự, anh Lê Văn Thanh (ngụ Biên Hòa) cho hay, anh thường xuyên đi về giữa Biên Hòa và Dầu Giây, mỗi đợt đi như vậy cả hai lượt tốn hết 70.000 đồng, trong khi chiều dài chuyến đi chỉ khoảng 20km. “Nhiều tài xế chạy trên tuyến này rất ngán vì phí cao, nhưng phải bắt buộc chấp nhận. Nếu đi vào đường tránh hay đi đường vòng thì xa hơn, rồi còn dễ gặp CSGT, thanh tra, số tiền phạt còn nhiều hơn”, anh Thanh kể khổ.

Cũng tại Đồng Nai, các tài xế ngán đi đường ĐT 768 (nối huyện Vĩnh Cửu với TP.Biên Hòa) bởi trên đường này có 2 trạm thu phí, xung quanh khu vực còn có thêm 2 trạm thu phí khác khiến xe chạy đâu cũng “đụng chạm”.

Nhiều tài xế cũng phàn nàn về tình trạng thu phí dày đặc giăng trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trong khu vực. Tài xế Quang chạy xe khách tuyến TP.HCM - Buôn Mê Thuột cho biết, đường qua Bình Dương giáp với Bình Phước chưa tới 100km nhưng có đến 4 trạm thu phí (trạm tại P.Lái Thiêu, Suối Giữa trên quốc lộ 13 và 2 trạm trên đường  ĐT 741). Mặc dù doanh nghiệp đóng phí nhiều nhưng đường ĐT 741 có nhiều đoạn xuống cấp, gây mất an toàn giao thông.

img

Khu vực trạm thu phí đại lộ Bình Dương (quốc lộ 13) có tình trạng giao thông phức tạp.

Đáng nói hơn, khu vực Trạm thu phí đại lộ Bình Dương (quốc lộ 13, P.Lái Thiêu, Thị xã Thuận An) đang là một điểm “nóng” về giao thông do thu phí gây ra. Vị trí trạm cũ hiện còn một số làn thu phí phương tiện từ TP.HCM ra, một phần trạm được dời cách vị trí cũ hơn 100m để thu phí các phương tiện qua cầu Phú Long ra; phương tiện từ tỉnh Bình Dương về TP.HCM.

Giữa hai vị trí này không có sự phân luồng giao thông rõ ràng nên các phương tiện từ cầu Phú Long qua và từ Bình Dương về TP.HCM thường bị rối loạn. Người dân trong khu vực cho biết đã có nhiều vụ va chạm giao thông tại khu vực này.

Cần xem lại việc thu phí

Một số doanh nghiệp vận tải đánh giá mật độ trạm thu phí tại khu vực rất dày đặc. Chẳng hạn tại TP.HCM đang có 7 trạm thu phí đặt tại các cửa ngõ. Còn ở Đồng Nai có gần 20 trạm thu phí, trong đó tại khu vực Biên Hòa có đến 11 trạm; Bình Dương có hơn chục trạm... Các doanh nghiệp vận tải cho biết, việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Đại diện Hiệp hội Vận tải TP.HCM cho biết, hiện khoảng cách giữa nhiều trạm thu phí không đảm bảo 70km từ trạm này đến trạm khác theo quy định. Còn các thông tin về tổng đầu tư công trình, thời gian thu phí, cách tính thu thế nào từ từng dự án chưa được minh bạch; một số trạm thu phí chưa hợp lý ảnh hưởng đến quyền lợi doanh nghiệp. Hiệp hội nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ xem xét về phí BOT nhưng chưa được giải quyết.

img

Trạm thu phí BOT Lái Thiêu cách trạm thu phí trên quốc lộ 13 chỉ vài km.

TS Phạm Sanh - chuyên gia về giao thông - cho rằng, cần phải xem lại các trạm thu phí tại khu vực. Một số vị trí tại trạm thu phí trong khu vực này vẫn chưa hợp lý như tuyến tránh Biên Hòa, quốc lộ 1K (mỗi tuyến có đến 3 trạm thu phí - PV)... Hiện các trạm thu phí mạnh ai nấy làm không theo một quy hoạch, còn  mức phí vẫn chưa công khai minh bạch.

Ông Sanh nhận định, việc thu phí nhiều như vậy gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nói chung chứ không riêng trong ngành vận tải. Bởi doanh nghiệp phải chịu phí vận tải quá cao sẽ đẩy giá cả hàng hóa dịch vụ lên theo, gây ảnh hưởng đến người dân.

Theo ông Sanh, cần xem lại một số bất cập trong việc thu phí BOT. Đặc biệt cần xem lại điều kiện thu phí, khung mức phí hay việc tổ chức thực hiện... theo Thông tư 159/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ.

Theo Bộ GTVT, các nhà đầu tư dự án BOT đã điều chỉnh giá được 35 dự án; 27 dự án có mức vé thấp hơn mức bình quân; 11 dự án chưa giảm do lưu lượng xe thấp hơn so với phương án tài chính. Đặc biệt, Bộ GTVT đã thỏa thuận quyết toán 51 dự án BOT, đàm phán điều chỉnh thời gian thu phí của 23 dự án và đang tính toán điều chỉnh phương án tài chính của 28 dự án theo hướng ưu tiên giảm mức phí so với dự kiến trước đây.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem