Tài xế Vinasun bỏ mặc nạn nhân, có vi phạm hình sự?

Bảo Yến Thứ bảy, ngày 29/06/2019 11:01 AM (GMT+7)
Theo luật sư, tài xế taxi bỏ mặc 2 nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch là hành vi hoàn toàn không phù hợp với đạo đức và vi phạm pháp luật. Hành vi này tài xế taxi sẽ phải đối mặt với hình phạt nào?
Bình luận 0

Như Dân Việt thông tin, khoảng 3h sáng 25/6 xảy ra vụ tai nạn ở giao lộ đường Tân Hương - Võ Công Tồn (quận Tân Phú, TP.HCM). Theo clip, một chiếc taxi đang di chuyển đến giao lộ và rẽ trái thì từ phía sau, xe máy chở 2 người chạy đến rồi va chạm mạnh vào phần đầu taxi.

Tai nạn khiến cho cô gái nằm bất động còn nam thanh niên liên tục bị co giật.

Sau khi xuống quan sát nạn nhân, tài xế taxi lập tức lên xe, đóng cửa và điều khiển taxi rời khỏi hiện trường. Tai nạn khiến cho nữ nạn nhân tử vong. Tài xế taxi Vinasun sau đó cho rằng mình bị hoảng loạn nên mới rời khỏi hiện trường.

Tài xế taxi vô cảm, hoảng loạn hay đã vi phạm quy định pháp luật?

Trao đổi với Dân Việt luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Trong vụ việc này, chưa xác định bên nào có lỗi dẫn đến vụ tai nạn nhưng hậu quả khiến một nạn nhân thiệt mạng thì người lái xe có thể đã có hành vi không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015".

Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 132: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

img

Tài xế taxi xuống quan sát nạn nhân rồi lập tức lên xe, đóng cửa và điều khiển taxi rời khỏi hiện trường. Ảnh cắt từ clip

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

“Trong clip cho thấy rõ ràng hai nhân của vụ tai nạn giao thông đang gặp nguy hiểm đến tính mạng, nếu được cấp cứu, cứu chữa kịp thời có cơ hội qua khỏi. Vì vậy pháp luật quy định bắt buộc mọi công dân khi nhìn thấy nạn nhân nằm ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, mình có điều kiện cứu giúp nhưng không cứu dẫn đến nạn nhân thiệt mạng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quy định này xuất phát từ đạo đức, trách nhiệm cứu người trong cơn hoạn nạn, phù hợp với giá trị nhân văn và đạo đức xã hội. Bởi vậy, dù không là người lái xe, không gây ra tai nạn thì người đàn ông này vẫn có trách nhiệm phải cứu giúp hai nạn nhân này” – Luật sư cho hay.

Cũng theo luật sư, trong quá trình giải quyết vụ việc, cơ quan công an sẽ làm rõ yêu tố lỗi gây nên vụ tai nạn. Nếu người tài xế ô tô di chuyển hướng không bật đèn tín hiệu hoặc ở nơi không được phép chuyển hướng, không được phép quay đầu người này có thể bị xử lý hình sự khi thương tích của nạn nhân từ 61 % trở lên.

Trong trường hợp này, tài xế taxi sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt từ 3 đến 10 năm tù.  Hành vi không cứu giúp người bị nạn của tài xế là yếu tố tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem