Tập tục cưới và những nỗi lo!

Mỹ Nhân Thứ tư, ngày 07/05/2014 15:33 PM (GMT+7)
Tất cả những gì được gọi là văn minh, văn hóa từ các nước phương Tây du nhập qua Việt nam, nhiều người đã học thuộc khá “thành thạo”, thậm chí “thực hiện” rất tốt và có khi còn “vượt trội” hơn cả nơi xuất xứ.
Bình luận 0
Một đám cưới của người phương Tây trung bình có khoảng từ 50 khách đến 70 khách là tối đa. Chỉ một điều đơn giản rất cần học hỏi này thôi mà không hiểu sao ? Ở nước ta bài học này “học hoài, học mãi” vẫn “không thuộc”.

Thiệp mời mùa cưới.
Thiệp mời mùa cưới.

Theo tâm lý người phương Tây, đám cưới là ngày vui của gia đình, nên khách khứa chỉ có gia đình và một vài người bạn thân nhất của cô dâu, chú rể. Thậm chí anh, chị, em họ hàng nhiều khi cũng không được mời và bạn bè ở cơ quan cùng làm việc cũng không được xếp vào loại bạn bè thân thiết. Trong khi tổ chức đám cưới ở Việt Nam tiệc thường rất đông khách, có nhiều đám cưới số lượng khách được mời dự tiệc quả là một con số “khổng lồ” …

Hiện nay ở nước ta vẫn còn tồn tại một “tập tục” đã có từ lâu đời đang rất cần được cải thiện và cắt giảm bớt, đó là việc tổ chức tiệc mừng cưới và số thực khách được mời dự đám cưới.

Đám cưới ở Việt Nam nói chung vì quá chú trọng và ưa chuộng nhiều về mặt hình thức, nên rất tốn kém và lãng phí tiền bạc trong nhiều lĩnh vực. Có những đám cưới “cố ý” mời thật đông, mời “tràng giang đại hải”, hễ mời được là mời mà không có một sự “cân nhắc” tính toán, hay bày tỏ được sự “trân trọng” cũng như nói lên được “ý nghĩa” khi trao tấm thiệp cho đối tượng mà mình muốn mời...

Thậm chí chỉ quen biết qua loa cũng nhận được thiệp mời, có những trường hợp trong gia đình có bao nhiêu người là mời “sạch” bấy nhiêu, miễn sao đủ tuổi “công dân”… và đó cũng là nguyên nhân khiến không biết bao nhiêu người coi đó là nỗi lo, nỗi ám ảnh mỗi khi mùa cưới lại về.

Thiệp mời mùa cưới.
Thiệp mời mùa cưới.

Một "tập tục cưới", hay nói đúng hơn đã trở thành một hủ tục. Tuy đã tồn tại từ ngàn xưa, xuyên suốt theo chiều dài không gian và thời gian, với biết bao sự tiến hóa của con người, xã hội. Dân tộc ta cũng đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh dẫn đến sự đói khổ, nghèo nàn, lạc hậu, gian nan thử thách… mỗi thế hệ qua đi đều phải chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm, cùng sự đổi thay trong cuộc sống, nhưng hủ tục mời dự cưới vẫn bất di bất dịch không hề được thay đổi.

Trái lại càng ngày càng “bành trướng” và “phát sinh” nhiều thêm khi mối quan hệ mỗi ngày một rộng. Có nơi còn so sánh theo "tiêu chí" năm sau phải khá hơn năm trước, đám này phải “đạt” hơn đám kia… Đây cũng là một trong những đề tài “nóng hổi”, luôn được nhiều người đưa ra bàn luận và so sánh ở khắp mọi nơi.

Bên cạnh niềm vui, niềm hạnh phúc của những đôi uyên ương, cô dâu chú rể luôn muốn được nhiều người chứng kiến sự kiện trọng đại của đời mình. Nhưng trong niềm vui và niềm hạnh phúc của vài người, có khi đó cũng là nỗi lo “đau đáu” đến mất ăn mất ngủ của khá nhiều người khi phải suy nghĩ “cái lõi” bỏ vào phong bì đó sẽ kiếm ở đâu và bao nhiêu cho vừa lòng gia chủ? Những người nhận được thiệp mời, chẳng lẽ “ngó lơ”. Nên rất nhiều người nhận được thiệp mời cùng mang chung một nỗi lo, đó là tiền mừng cưới!

Đám cưới mời quá nhiều người.
Đám cưới mời quá nhiều người.

Đây là một “điệp khúc” mà nhiều người phải hát đi hát lại nhiều lần trong "mùa cưới”. Với những người có thu nhập cao, khi được mời đi dự đám cưới có thể điều này “không là vấn đề gì”, nhưng với những người đã nghỉ hưu, cán bộ công chức Nhà nước, những công nhân bình thường tiền lương ba cọc ba đồng, nông dân lao động… có thu nhập thấp, nuôi sống gia đình đã là điều hết sức khó khăn, thì việc nhận được nhiều tấm thiệp mời, tiền mừng quả là một điều cũng phải "đắn đo" cho bằng chị, bằng em.

Những gia đình có “kinh tế khá giả” tổ chức đám cưới cho con cũng là dịp để phô trương và thể hiện “đẳng cấp” hơn người của gia đình mình, còn đại đa số các gia đình bình thường khi phải tổ chức đám cưới cũng chẳng sung sướng gì!

Nhà bắt đầu có dự định tổ chức đám cưới là bắt đầu hình thành những nỗi âu lo… ngay ngáy! Khiến họ rất bối rối, lúng túng trước quá nhiều việc phát sinh, và cảm thấy vô cùng phiền toái, nhưng khổ nỗi đây cũng là món “nợ đời” đã có sẵn thông lệ từ bao đời nay và trở thành điều bắt buộc không thể không lo…

Thời buổi kinh tế khó khăn, “người khôn của khó”, bài toán chi tiêu trong gia đình luôn “không” có con số chính xác, cuộc sống mỗi ngày thêm eo hẹp, kiếm được đồng tiền đôi khi cũng phải “chảy cả máu mắt”. Lại đang trong thời kỳ bão giá, nhà nhà lo lắng cắt giảm chi tiêu. Nhưng đám cưới và thiệp mời đám cưới cứ nườm nượp tiếp nối liên tục, mùa mưa cũng như mùa nắng, đám này chưa mừng xong đã có đám khác chuẩn bị, khiến nhiều gia đình phải “lao đao chóng mặt”

Nhận được quá nhiều thiệp cưới với nhiều người được mời, nhất là vào những ngày “cao điểm” nhiều gia đình có từ 5 đến 7 thiệp mời trong cùng một ngày một giờ là chuyện bình thường. Trong nhà “vỏn vẹn” chỉ có hai người không biết nên đi ai bỏ ai, đành phải chạy “sô” cấp tốc mới kịp. Nhiều người vừa kiếm tiền mừng đám cưới, vừa phải lo kiếm tiền để trang trải cuộc sống cũng đủ làm cho họ có khi rơi vào cảm giác bị “strees”.

Nói đến mùa cưới ở nước ta thì còn nhiều việc cần phải bàn. Tuy đây là “việc riêng mỗi nhà”, không thể dùng biện pháp hành chính để ngăn cấm, vì đây là một điều khá tế nhị và rất khó khăn. Nhưng những nét văn hóa “hay, mới lạ” vẫn có thể áp dụng và có quy định cụ thể trong các quy ước, hương ước, tộc ước v.v... của từng địa phương.

Nếu chúng ta cùng đồng lòng và quyết tâm thực hiện, chắc chắn sẽ cải cách và thay đổi được những tập tục xưa cũ mới mẻ hơn, sao cho phù hợp với lối sống hiện đại, văn minh văn hóa trong cuộc sống được thực tế hơn, những đôi bạn chuẩn bị bước vào “việc trọng đại”, thử “bức phá” làm một cuộc “cách mạng văn hóa” nhằm giảm bớt “nỗi lo” nầy. Tự giác, tự nguyện làm gương và đi tiên phong trong việc thực hiện “nếp sống mới” để có một hình thức đám cưới mới hay hơn, được nhiều người ủng hộ hơn.

Đám cưới mời quá nhiều người.
Đám cưới mời quá nhiều người.

Thiết nghĩ, đây cũng là một vấn đề “nóng bỏng” chung cho toàn xã hội ở nước ta đang diễn ra hằng năm, một chuyện không của riêng ai, một vấn đề cần được cộng đồng quan tâm, đóng góp ý kiến xây dựng và thực hiện… Hãy nhìn thẳng thắn vấn đề về việc “người mời” và người “được mời” đang suy nghĩ.

Ý nghĩa của việc làm trên cũng là nghệ thuật trong văn hóa đối nhân xử thế. Trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Những quy ước, hương ước về việc ma chay cưới hỏi vẫn được học tập và phổ biến thường xuyên tại các địa phương. Nhưng đó chỉ là “vỏ bọc” “học thì có nhưng hành thì không” .

Một đám cưới thật đầy ý nghĩa, tốt hơn hết nên đơn giản, tiết kiệm, gọn nhẹ, tươm tất và chăm sóc chu đáo cũng làm khách mời cảm thấy vui vẻ thoải mái và thân mật còn hơn mời quá nhiều vừa tốn kém gây lãng phí lại mệt mỏi và hao tổn sức lực cho đôi bạn trong những ngày “trọng đại”. Chỉ trừ những người lợi dụng đám cưới tổ chức dưới dạng “kinh doanh” để trục lợi, để lấy quà mừng, mang lại một ý nghĩa tiêu cực khác thì “miễn bàn”.

Trong đời, ai cũng có những sở thích nhất định nhưng nhiều lúc phải cân nhắc để tiếp tục thích hay phải... quên đi để sở thích đó không gây rắc rối và phiền phức cho nhiều người khác.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem