Lễ đám giỗ, đong tấm lòng?

Nguyễn Ngọc Tư (Thế giới Tiếp Thị) Thứ bảy, ngày 03/05/2014 09:47 AM (GMT+7)
Bà mẹ kể hồi xưa dì Chín nghèo nhứt gánh mình. Áng chừng còn ba tháng nữa tới đám giỗ bên nhà ngoại, Chín đi mua chục vịt con về nuôi.
Bình luận 0
Vịt của Chín lớn lên không nhờ hột lúa nào (thứ đó dành cho bốn miệng người trong nhà còn không đủ), dì nuôi chúng bằng cám trộn bèo, cuối chiều có thêm mớ ốc bươu vàng tách vỏ bằm nhỏ. Đúng giỗ dì bắt cặp vịt xách về, cúng ông ngoại cái món ông ưa nhứt hồi còn sống: vịt luộc chấm mắm gừng.

Có năm vịt còi vì ăn không đủ sức, lườn bén lẹm tóp khô. Có năm gió độc làm cả bầy lăn ra chết hết, Chín đi câu cá lóc mang về. Và những gì Chín đem qua cúng giỗ, ai cũng nâng niu cảm động. Con cá lóc với mụt măng tre ấy cũng có giá trị ngang bằng với con heo quay cậu Hai chở từ ngoài chợ vô.

Với một gia đình đông con, tứ tán khắp nơi, đám giỗ ông ngoại là bữa tiệc huy hoàng. Hình dung linh hồn ông ăn thử từng ấy món, chắc lặc lè bay không nổi. Dọn mâm cúng đã thấy chóng mặt, ai cũng đem theo những thứ ngon nhất trong vườn nhà mình. Biết Chín có măng tre đầu mùa, mẹ mua giò heo, vậy là thành một món ngon.

Không ai, kể cả Chín phải thấy tủi thân vì đã cúng ông già bằng những thứ còm nhom rẻ rề. Chẳng ai so đo chuyện nhiều ít, mà cũng không so đo được. Như Chín, làm sao tính được công đi bắt ốc vớt bèo nụm nịu nuôi bầy vịt, công xa xót khi chuột cống xông vào chuồng cắn cổ chết mấy con, công dầm mình đi cắm câu, đặt trúm.
(Ảnh minh họa, nguồn internet)
Mâm cỗ (Ảnh minh họa, nguồn internet)

Bà mẹ nói hồi xưa đám giỗ vui, giàu nghèo không khoảng cách, đề huề. Ai đem gì về cúng cũng không quan trọng bằng đủ mặt. Đám giỗ giữa năm nhưng ngay từ tết đã hẹn nhau về. Diễn ra chỉ hai ngày, nhưng giỗ đã được nhen lên trong mỗi đứa con từ vài ba tháng trước. Người này trồng khóm, gieo cải sao cho ngay dịp giỗ đó là có rau trái lứa đầu. Người kia để dành thứ nếp dẻo thơm gói bánh.

Cậu Út thì tự mình đi làm men, nấu rượu, cái thứ rượu trắng chưng đi cất lại để mấy anh em uống không nhức đầu. Hồi xưa đám giỗ vui, bà mẹ bần thần day đi day lại. Khi đó Chín đã ra về. Nhắn Chín qua nhà là để cho dì ít tiền về đám giỗ ngoại. Bây giờ không cần nuôi vịt xách qua vì cậu nói không cần. Xóm mình đám giỗ thôi nôi hay đầy tháng cũng bằng tiền tuốt. Đi bằng tiền gọn gàng và dễ dàng để nấu nướng những món đã tính trước.

Nhưng tiền thì đong đo được, bằng mắt thường. Nó làm tổn thương Chín, người sớm sớm oằn vai gánh rau đi chợ, gánh thêm ông chồng hen suyễn với bầy con đông. Giỗ năm ngoái Chín líu ríu đưa cậu em năm chục ngàn, sau nghe mợ bĩu môi, thời buổi tiền mất giá chỉ nhiêu đó có mua được gì, không thấm tháp vô đâu. Ngoài chợ người ta đi đám cưới nhà hàng tệ lắm cũng phải ba trăm rồi.

Đám tiệc hiển nhiên là không nói tới, dân xóm Chiếc thăm bệnh, cúng chùa cũng bằng tiền, không cần phải bày vẽ bỏ bao thơ. Lì xì tết trẻ con so đo ngay lộc người này nhiều hơn người khi nãy. Dúi cho Chín ít tiền, bà mẹ biết không có nghĩa là đứa em gái mình không tổn thương. Bồn chồn rờ nắn cái túi áo bà ba mỏng dính, Chín nói giỗ năm sau có khi em không về.

Chung quanh người ta nhìn nhau, đo tấm lòng nhau bằng những mệnh giá của tờ giấy lạnh, Chín tránh sao cho khỏi xây xước. Vài nhà trong xóm còn vay nợ để đi đám được rỡ ràng mày mặt, cũng giống có quãng vay mượn mua dàn karaoke hoành tráng hơn nhà bên. Như có những con sóng thực dụng vô hình cứ vỗ mãi vào bờ xóm Chiếc, làm long lở cái gọi là tình nghĩa.

Con sông chảy xiết qua xóm Chiếc mang theo gì trong lòng nó, chỉ nó biết.
XEM THÊM
>> Phong tục cúng giỗ của người Hà Nội xưa
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem