Tết miền Tây, bao giờ cũng phải "khổ qua”!

Nhất Huỳnh Thứ sáu, ngày 06/02/2015 08:15 AM (GMT+7)
Theo quan niệm dân gian xưa, ăn khổ qua trong mấy ngày Tết có ý nghĩa mọi phiền muộn, khổ đau của năm rồi sẽ qua hết, mang lại niềm vui, sung sướng, may mắn cho năm mới.
Bình luận 0
Có lẽ cũng bởi thế mà "Khổ qua" – tên gọi mộc mạc của một loại quả quen thuộc miệt vườn, món ăn thường ngày của mọi gia đình miền Tây nhưng khổ qua dồn thịt lại là món không thể thiếu khi khi tết đến xuân về.

Thường thì ở quê tôi, trong mâm cơm cúng rước ông bà ngày 29 hoặc 30 tết là phải có món khổ qua dồn thịt. Để làm món này, việc chọn khổ qua cũng rất kỳ công, phải lựa những trái xanh đậm, suôn dài, thật đều nhau vì khổ qua suôn dài mới dễ dồn thịt, trái mập quá bụng phình ra vừa hao thịt mà khi dọn lên mâm ăn khó cắt khúc cho đều nhau không đẹp mắt. Người miền Tây ăn cả bằng mắt là như thế.
img
Ảnh minh họa: Món khổ qua dồn thịt (Nguồn: Từ Internet)
Những trái khổ qua xanh mướt để nguyên trái, dạt chéo một đầu, người ta dùng muỗng hoặc đũa moi hết hột và lớp ruột trắng bên trong trước khi thả vào nước ngâm cho sạch, có người còn ngâm nước đá, kì công như vậy để giữ màu xanh mướt mắt của khổ qua khi đem hầm.

Nhân khổ qua có nhiều loại, có người thích dồn cá thát lát, người dồn tôm nhưng phổ biến hơn cả vẫn là dồn cùng thịt xay nhuyễn. Tôi nhớ, lúc nhỏ thấy mẹ nhồi thịt khổ qua mà thích vô cùng, cứ chăm chú nhìn mãi, có lúc còn đòi mẹ cho dồn thử nhưng hễ đụng tới trái nào là dồn đến “bể bụng” mới thôi, nên mẹ chẳng cho làm. Mẹ tôi dồn khéo lắm, tay mẹ thoăn thoắt phết nhân cho dẻo, lần lượt dồn vào ruột trái khổ qua vừa khít mà không làm nứt vỏ. Những ngày bình thường, mẹ lấy hành lá buộc chắc trái khổ qua lại, còn ngày tết thì dùng dây lạt dành gói bánh tét sẵn có. Cái dây này hay lắm, ông bà ta nói "lạt mềm buộc chặt" quả không sai, nhà tôi năm nào đến Tết, mẹ cũng mua một mớ dây lạt về để gói bánh, buộc thịt, vừa chắc chắn vừa an toàn.

 Để nồi canh khổ qua ngày tết thêm ngon, bao giờ mẹ tôi cũng nấu bằng nước dừa tươi ninh xương ống cho nước thật ngọt ngào rồi thả khổ qua vào cho sôi bùng lên là vớt bọt cho nước trong. Rồi mẹ để lửa riu riu cho đến khi nồi khổ qua hầm vừa ăn. Biết ý tôi không ăn được khổ qua đắng nên mẹ tôi thả thêm nhiều viên thịt tròn tròn vào nồi hầm dành riêng cho tôi.

Không chỉ là món ăn lấy may, khổ qua hầm còn rất mát và bổ. Vị đắng trong trái khổ qua chính là bài thuốc thanh nhiệt, giải độc, trị rôm sảy mụn nhọt rất hiệu quả. Nên dẫu là món ăn truyền thống nhưng hiện nay trong mâm cơm ngày Tết hiện đại, khổ qua dồn thịt vẫn là món ưu tiên hàng đầu của mỗi gia đình. Ngày Tết, khi đã tràn trề thịt cá, ê hề dầu mỡ, một tô khổ qua hầm đăng đắng làm thay đổi khẩu vị, không quá lời khi nói mát tận ruột gan, tâm hồn phơi phới mà đón chào năm mới với mọi cái “khổ” đều “qua”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem