Thân thương giàn gấc trước hiên nhà!

Bài, ảnh: Hoàng Lê Chủ nhật, ngày 31/05/2015 10:00 AM (GMT+7)
Dạo bước trên con đường làng ở Vĩnh Long quê tôi, bạn sẽ thấy có khá nhiều giàn gấc xanh um phủ đầy nơi mái hiên, hay góc vườn, bờ cây hàng rào. Người quê tôi trồng gấc xưa nay để bán quả lấy tiền; mặt khác, giàn gấc còn là nơi bóng mát mà các lão nông thích ngồi hàn huyên những câu chuyện vụ mùa.
Bình luận 0
Gấc là loài cây thân thảo, leo khỏe, chiều dài có thể mọc đến 15 mét. Lá gấc nhẵn, thùy hình chân vịt phân ra từ 3 đến 5 dẻ, dài 8-18 cm. Quả gấc hình tròn có màu xanh và có gai li ti, khi chín chuyển sang đỏ cam, treo lủng lẳng đến vui mắt.
img
Thân thương giàn gấc mái hiên nhà (ảnh: Hoàng Lê)

Để trồng được gấc, đòi hỏi phải có cái giàn để cho dây gấc bò lên. Người quê tôi làm giàn gấc thường chỉ bằng nhánh tre, cành cây tận dụng quanh vườn nhà. Đối với các nhà lá, đôi khi người dân quê còn để dây gấc leo lên cả mái nhà. Mùa mưa, gấc sinh trưởng mạnh, từng dây gấc bện chặt nhau như một tấm thảm xanh phủ khắp mái nhà. Cho dù trồng gấc không mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng người dân quê tôi rất thích trồng loại dây leo này, bởi ngoài công dụng che mát, quả gấc còn dùng để đồ xôi gấc, món không thể thiếu trong mâm lễ cúng kiếng của mọi nhà.

Có rất nhiều loại xôi được người Việt chế biến. Từ những món xôi được bày bán phổ biến mỗi sáng như xôi xéo, xôi lạc, xôi khúc, xôi đậu xanh đến những thứ xôi chỉ được nấu vào mỗi dịp ngày giỗ, ngày lễ truyền thống như xôi ngũ sắc, xôi thập cẩm... Thế nhưng, chỉ có xôi gấc là trở thành một món truyền thống trong mâm cỗ ở quê tôi.

Nhớ lại những ngày sống ở quê, ba tôi cũng có trồng một giàn gấc xanh um leo lên mái hiên nhà. Sau này, khi xây nhà mới, ba cũng dùng nhánh tre để làm một cái giàn trồng gấc. Năm ấy, gấc được mùa, má tôi hái gấc để mang ra chợ bán lấy tiền cho chúng tôi trọ học xa nhà. Tuổi thơ của chúng tôi luôn gắn liền với bóng mát của giàn gấc thân thương, các trò chơi quê cũng đều diễn ra nơi tán gấc. Giàn gấc xanh um như minh chứng cho tuổi thơ cơ hàn, khốn khó của chúng tôi nơi quê nghèo ngày ấy.

Giờ đây, Vĩnh Long quê hương tôi đã đổi mới, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên, giàn gấc năm xưa tuy không còn khắp làng trên xóm dưới và leo đầy trên mái hiên như ngày trước. Nhưng đi trên con đường làng vẫn còn nhìn thấy khá nhiều giàn gấc xanh phủ bóng mát rợp một góc sân. Lũ trẻ ngày nay vẫn xôn xao bắn “cu li” dưới tán gấc mái hiên nhà.

Đối với tôi, giàn gấc thân thương trên mái nhà xưa vẫn luôn đọng lại trong tiềm thức. Thương lắm đôi vai gầy của cha cặm cụi vác nhánh tre làm giàn, dáng mẹ đội thúng gấc mang ra chợ bán vào buổi sớm tinh sương…
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem