Theo ông Nguyễn Doãn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) nuôi giun cao sản là mô hình lạ, đang cho thu nhập cao và rất dễ làm, nên nhiều hộ đã bỏ nuôi lợn chuyển sang nuôi giun.
Ồ ạt vay vốn mở trang trại
Trang trại của ông Trần Xuân Tịnh, ở xóm Chiến Thắng, xã Vĩnh Lộc có diện tích 1,4ha trước đây nuôi lợn, thả cá và trồng lúa. Tháng 10.2010, sau trận lũ kép, trang trại của ông thiệt hại nặng chưa thể đầu tư trở lại. Được một người trong xã đưa về mô hình nuôi giun cao sản, ông Tịnh mê ngay. Ông vay ngân hàng 80 triệu đồng, dồn hết tiền tích góp mở trang trại nuôi giun.
|
Trang trại nuôi giun cao sản của ông Tịnh chưa thu hồi lại vốn. |
Sau hơn nửa tháng xây dựng, ông Tịnh đã có trại nuôi giun cao sản diện tích gần 100m2 với tiền đầu tư ban đầu 150 triệu đồng. Ông Tịnh cho biết: "So với nuôi lợn, nuôi giun dễ hơn nhiều, không tốn công, lại nhanh có thu nhập. Lứa đầu chỉ sau 3-4 tháng là thu hoạch. Tuy nhiên, các hộ phải cam kết tuân thủ khắt khe về kỹ thuật nuôi được ký kết trong hợp đồng với công ty cung cấp giống, nên rất tốn kém, nhất là tiền thuốc".
Theo chỉ dẫn của ông Tịnh, chúng tôi đến trang trại của ông Đặng Văn Yên ở xóm Hạ Triều, xã Vĩnh Lộc. Ông Yên được coi là người đi tiên phong ở Hà Tĩnh về mở trang trại nuôi giun cao sản. Dẫn chúng tôi xem khu nuôi giun diện tích 150m2, gồm 10 sàn giun với số vốn đầu tư ban đầu gồm trại, giống, thuốc tăng trưởng cho giun hết 220 triệu đồng.
Ông Yên cho biết: "Năm 2009, tôi ký hợp đồng với Công ty cổ phần Thương mại- Du lịch Hùng Vương ở Vĩnh Ngọc, Đông Anh (Hà Nội) nuôi giun cao sản. Hiện đã có 32 hộ ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa đến học hỏi tôi về mở trang trại nuôi giun cao sản".
Theo ông Yên mỗi tháng trừ chi phí giống, tiền thuốc tăng trưởng, thức ăn, nhân công, ông lãi từ 15-20 triệu đồng. Nếu vốn đầu tư ban đầu 150 triệu đồng, sau 3-4 lứa giun là thu hồi. Mỗi trại nuôi giun chỉ cần diện tích từ 50m2 trở lên.
Cụ thể, tiền đầu tư cho 10m2 sàn nuôi giun khoảng 12 triệu đồng, gồm xây chuồng 445 nghìn đồng, tiền mua giun giống 40kg giá hiện nay gần 12 triệu đồng, mua phân làm chất nền và thức ăn cho giun 380 nghìn đồng. Chỉ sau một chu kỳ nuôi 2,5- đến 3 tháng, trung bình 1m2 sàn thu hoạch 6,4kg giun thương phẩm, với giá hiện tại là 130 nghìn đồng/kg giun sẽ thu về trên 8,3 triệu đồng; chu kỳ thứ hai sau 2 tháng là thu hoạch.
Cần thận trọng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hộ nuôi giun cao sản phải mua con giống và thuốc tăng trưởng cho giun của công ty. Trong hợp đồng, công ty nêu rõ các hộ phải sử dụng thuốc chống thoái hóa (gọi tắt là thuốc tăng trưởng). Như vậy, nếu trang trại mua 250kg giống đã mất gần 105 triệu đồng, tiền thuốc tăng trưởng lên tới trên 10 triệu, thuốc ủ phân mất gần 10 triệu đồng thì số tiền mà hộ nuôi giun bỏ ra không nhỏ.
Tháng 8.2009, Toà án Nhân dân TP.Hoà Bình (Hòa Bình) đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến hàng chục hộ dân Hoà Bình kiện Công ty TNHH Lợi Thắng ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ nuôi giun cao sản và cam kết bao tiêu sản phẩm. Việc ngừng thu mua giun thành phẩm đã khiến ND Hòa Bình điêu đứng.
Anh Nguyễn Nghĩa- Phó phòng NNPTNT huyện Can Lộc cho biết: “Hiện nay tại huyện Can Lộc có gần chục hộ nuôi giun cao sản. Một doanh nghiệp ở Hà Nội về ký hợp đồng trực tiếp với các hộ, chứ không thông qua các cơ quan chức năng địa phương.
Tại Can Lộc doanh nghiệp thu mua sản phẩm của hộ này đưa đi bán con giống cho các hộ khác nuôi, với giá đắt gấp đôi mua giun sản phẩm. Cách đây 2 tháng, chúng tôi liên lạc với doanh nghiệp này yêu cầu họ vào làm việc với Phòng NNPTNT huyện, họ hứa nhưng chưa thấy đến”.
Bà Trần Thị Thanh- Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND Hà Tĩnh thông tin: “Theo linh cảm, tôi thấy đây như bán hàng đa cấp cho ND. Tôi lo ngại rằng sau khi họ đầu tư mở trang trại cho các hộ rồi không thu mua sản phẩm, vì vậy ND cần phải thận trọng”.
Hữu Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.