Thanh long rớt giá chỉ còn 1.000 đồng/kg, chín đỏ vườn không ai mua, nông dân mất Tết

Hồng Cảnh Thứ hai, ngày 10/01/2022 17:40 PM (GMT+7)
“Hơn 200 triệu của tôi bỏ vào đây cùng với bao nhiêu tâm huyết, công sức, mổ hôi, nước mắt ròng rã 3 tháng trời. Vậy mà giờ, thanh long chín đỏ vườn, loại đẹp mới được 1.000 đồng/kg vẫn không có ai đến cắt”.
Bình luận 0

Đó là chia sẻ của anh Phan Văn Long, chủ vườn thanh long tại Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) khi thanh long rớt giá thê thảm những ngày gần đây.

Anh Long cho biết, gia đình anh có khoảng 4.000 trụ thanh long đang đến kì thu hoạch với sản lượng khoảng trên 15 tấn. Hiện tại, thanh long chín đỏ vườn vẫn không có ai mua.

Hơn 10 năm trồng thanh long, khi nghe nói, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ bán được giá cao, dễ xuất khẩu hơn, anh cũng đầu tư vốn liếng để làm theo quy trình chuẩn. Thế nhưng, quả thanh long làm ra không có đơn vị nào bao tiêu đầu ra cho nhà vườn, lại phụ thuộc hết vào thương lái.

img

Thanh long đến kì thu hoạch nhưng hiện tại chị bán được với giá 1.000 đồng/kg.

“Trước đây, thanh long chưa chín đã có lái đến đặt cọc, mua với giá từ 17.000-19.000 đồng/kg nhưng hiện tại, thanh long chín hết cả vườn mà gọi cho mối quen không ai nghe máy. Gọi được mối khác thì họ trả giá loại đẹp chỉ 1.000-2.000 đồng/kg, loại nhì chỉ được 500 đồng/kg, hàng chợ họ không cả mua luôn”, anh Long nói.

Theo anh Long, chi phí cho vườn 1.000 trụ sẽ vào khoảng 40-50 triệu đồng bao gồm tiền điện chong đèn cho thanh long ra hoa nghịch vụ, tiền phân, thuốc, nhân công. Nếu bán với giá 7.000-8.000 đồng/kg thì nhà vườn mới hòa vốn.

“Tôi không thể ngờ giá thanh long lại rớt thê thảm như thế này. Thử hỏi 1.000 đồng bây giờ có thể mua được gì? Một cọng hành hay mấy trái ớt? Vậy mà giờ người trồng thanh long phải chịu mức giá 1.000 đồng/kg thanh long. Nhìn tâm huyết và công sức mình bỏ ra bao nhiêu tháng trời ròng rã như vậy, đến giờ thanh long chín đỏ rực vườn, không bán được mà ứa nước mắt”, anh Long nói.

img

Đứng trước nguy cơ mất trắng toàn bộ vốn và lãi, nhiều nhà vườn còn phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng.

Cũng trồng thanh long tại xã Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), chị Võ Thị Lựu cho biết hôm nay chị đang phải bán vườn thanh long gần 5 tấn của mình với giá 500 đồng/kg.

“Hôm qua, mấy vườn bên cạnh còn bán được 2.000 đồng/kg mà hôm nay lái họ trả có 1.000 đồng. Tôi không dám chờ đợi nữa mà có người hỏi phải bán luôn. Không bán thì có nước cho bò và cho dê ăn cũng không hết”, chị Lựu nói.

Hơn 8 năm đi thu mua thanh long cho bà con trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, anh Nhật Trường cho biết, thanh long rớt giá từng ngày khiến anh cũng như ngồi trên đống lửa vì sợ ôm lỗ.

img

Thương lái cũng phải chịu chung cảnh thua lỗ khi từ vườn ra đến vựa lỗ ngay cả triệu đồng.

“Sáng hôm qua, tôi mua thanh long tại vườn với giá 3.000 đồng/kg cho bà con. Thuê người cắt với giá 600 đồng/kg rồi vận chuyển đến vựa để cân. Làm từ tinh mơ đến 6 giờ sáng, vựa trả tôi với giá 2.500 đồng/kg. Vậy là, bỏ công sức, thức khuya dậy sớm, vốn liếng đi cắt về nhưng lại ôm lỗ mỗi tấn 1,1 triệu đồng”, anh Trường nói.

Mua thì không những không cầm chắc lãi mà còn ôm lỗ nặng khi giá thanh long xuống từng ngày mà không mua thì nông dân cứ gọi “cháy máy” nhờ cắt.

“Thương bà con lắm vì chi phí làm quả cũng vào khoảng 8.000 đồng/kg rồi mà lứa này rẻ quá. Vựa họ muốn mua cũng không biết bán đi đâu nên họ không cân, có cân thì cũng với giá rẻ. Thương lái như tôi cũng sợ mất Tết không dám làm nhiều”, anh Trường chia sẻ.

img

Số thanh long anh Trường mua với giá 3.000 đồng/kg, thuê người cắt mất 600 đồng/kg nhưng mang ra đến vựa chỉ trả 2.500 đồng/kg.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, quy định cao. Chính vì vậy bên phía Việt Nam cần xác định nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng số 1 hiện nay. Đồng thời, chúng ta cần thay đổi tư duy “quá phụ thuộc vào một thị trường” sang tư duy “đa dạng thị trường”.

Thứ trưởng đề nghị ngành nông nghiệp 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang cũng cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có những phương án, giải pháp phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn ngay tại địa phương cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp các vùng, địa phương khác cũng đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho người nông dân.

“Sắp tới dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu về hàng hóa tại thị trường nội địa tăng cao, cần phải tăng cường kết nối giữa người sản xuất với những nhà bán lẻ”, ông Nam nhấn mạnh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem