Thay đổi quan niệm “làm lúa mãi nghèo” ở ĐBSCL

Huỳnh Đặng – Ngân Trang Chủ nhật, ngày 31/12/2023 14:30 PM (GMT+7)
Sản xuất lúa để bán sản phẩm chính (lúa, gạo) và phụ phẩm (rơm, cám, trấu…) là chuyện đã quá quen thuộc với người nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bình luận 0

 Tuy nhiên, với "Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL", lần đầu tiên có thêm một sản phẩm đặc biệt được đưa ra bán, đó là tín chỉ khí thải carbon dioxide (CO2).

Trước đó, sản xuất lúa nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đã được Việt Nam triển khai tại 8 địa phương vùng ĐBSCL (Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Cần Thơ) với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới thông qua dự án VNSAT (Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam). Tuy nhiên, việc trồng lúa để bán tín chỉ CO2 thì hiện nay mới được đề cập đến tại đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh của Bộ NNPTNT.

Hào hứng tham gia trồng lúa giảm phát thải

gop/ Thay đổi quan niệm “làm lúa mãi nghèo” - Ảnh 1.

Đoàn chuyên gia Viện Lúa quốc tế và Bộ Nông nghiệp Mỹ khảo sát mô hình gieo sạ chính xác tại xã Mỹ Hạnh Trung, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Mai Phương

Tăng thu nhập cho nông dân, bảo vệ môi trường

Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sẽ triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre). Đề án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2024-2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000ha; giai đoạn 2 (2026-2030) xác định rõ vùng trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới, trong giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu là đầu tư cho những vùng diện tích mới trên cơ sở hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị.

Đến năm 2030 sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Trao đổi với phóng viên NTNN, anh Dương Văn Siêu - Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Thuận Thắng, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ cho biết, anh rất đồng lòng để thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh nếu được ngành nông nghiệp địa phương cho tham gia. Mục tiêu giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha đề án đưa ra là hoàn toàn khả thi đối với HTX Thuận Thắng.

"Kinh nghiệm của tôi cho thấy, nếu gieo sạ giống xác nhận phù hợp theo thời tiết, làm đất bằng phẳng, xử lý không còn ốc bươu vàng và chuột thì 80kg/ha là khỏe re, làm tốt. Thậm chí có thể hạ xuống 70kg/ha vẫn được" - anh Siêu nói.

Trong vụ lúa đông xuân năm 2023, tại phần đất của gia đình là 3ha, anh gieo sạ chỉ 100kg lúa giống lúa thơm Jasmine 85/ha kết hợp bón ít phân, ít phun thuốc (chỉ phun đúng liều lượng và khi thật sự cần thiết), đến cuối vụ đạt 1,1 tấn lúa/công (1.000m2).

Với giá bán 6.600 đồng/kg, anh thu được 7,1 triệu đồng/công, trừ chi phí khoảng 1 triệu đồng/công, anh lời 6 triệu đồng. Còn đối với người dân gieo sạ dày tuy cũng thu được 7 triệu đồng/công nhưng trừ đi chi phí, chỉ còn lời từ hơn 2 - 3 triệu đồng.

Ban đầu khi thấy anh Siêu trồng lúa mà giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân, giảm thuốc, người dân ở kế bên đều cho rằng không hiệu quả, không muốn làm theo. Nhưng thực tế mô hình của anh đã được chứng minh thu nhập cao, được lãnh đạo Sở NNPTNT, lãnh đạo huyện đến tận ruộng lúa xem và ai cũng khen, cũng mê. Đặc biệt, khi thu hoạch, anh Siêu đem sản phẩm đến cơ quan chức năng kiểm tra đều không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn cho người dùng.

"Cách làm của tôi không chỉ giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn là thích ứng với giá phân, giá thuốc thời buổi kinh tế hiện tại. Hiện nay ai cũng đều biết, năng suất lúa cao nhất chỉ đạt 9 tấn/ha, bỏ tiền nhiều cho phân thuốc cỡ nào đi nữa năng suất vẫn không hơn. Vậy chúng ta nên làm theo hướng giảm vật tư đầu vào mà năng suất vẫn đảm bảo thì sẽ tăng lợi nhuận" – anh Siêu nói.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT:

Doanh nghiệp dẫn dắt, khuyến nông làm cầu nối

Với ý nghĩa của việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính trong tình hình hiện nay, đây là vấn đề khó, đòi hỏi có sự tham gia của các ngành, các cấp và các thành phần kinh tế. Cán bộ khuyến nông cộng đồng tại các địa phương trong 2 năm vừa qua đã làm tốt nhiệm vụ của mình và tạo được những dấu ấn rất đáng khích lệ, nhiều nơi còn có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Do vậy, có thể coi đây là lực lượng nòng cốt để đồng hành cùng nông dân.

Vấn đề xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữ vai trò quan trọng, cần có sự tham gia, phối hợp của các bên. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò quản lý, định hướng xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu và xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển hệ thống logistic, phát triển thương hiệu theo hướng "lúa sinh thái", "lúa phát thải thấp". Các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt, cung ứng nguyên liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.

Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia:

Sẵn sàng nguồn lực, chủ động tham gia đề án

Chúng ta sẽ cần rất nhiều nguồn lực triển khai đề án, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự đồng hành của hệ thống khuyến nông với người nông dân, người sản xuất. Khuyến nông đã chuẩn bị, sẵn sàng nguồn lực và chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động để tham gia triển khai đề án có hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra. Theo đó, hệ thống khuyến nông sẽ cùng các đơn vị liên quan xây dựng mô hình áp dụng các gói kỹ thuật về canh tác lúa bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện các quy trình xử lý rơm rạ; tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các hộ nông dân, HTX…

Đồng thời hệ thống khuyến nông sẽ hỗ trợ các hộ trồng lúa, HTX, doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, thực hiện truyền thông với nhiều hình thức, tập huấn, chuyển giao cho hộ trồng lúa và hợp tác xã biện pháp canh tác bền vững... Đặc biệt là thực hiện chỉ đạo của Bộ NNPTNT, khuyến nông sẽ xây dựng chương trình riêng cho phát triển sản xuất lúa phát thải thấp vùng ĐBSCL, trong đó ưu tiên nâng cao năng lực cho tổ chức khuyến nông cộng đồng.

Thiên Hương (ghi)

Đối với việc đem rơm ra khỏi đồng ruộng, anh Siêu cho biết rất dễ thực hiện, chỉ cần cho máy gặt đập liên hợp cắt sâu xuống gốc lúa hơn, sau đó đưa phương tiện vận chuyển rơm ra khỏi ruộng là xong. Khi hỏi về việc trồng lúa giảm phát thải, ông Nguyễn Văn Thích - Phó Giám đốc HTX Tân Long ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho hay, HTX của ông rất mong muốn tham gia bởi HTX đã hội tụ đủ các yêu cầu mà đề án 1 triệu ha lúa đưa ra. "Từ năm 2020, HTX Tân Long đã tham gia chương trình VnSAT, nên tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao thì HTX làm được liền và có thể đăng ký thực hiện vài nghìn ha, bởi hiện nay HTX đã có 750ha rồi" - ông Thích nói.

Ông Thích thông tin: "Nếu làm đất tốt, bằng phẳng thì gieo sạ giống thưa sẽ đạt hiệu quả rất cao. Ngoài tiết kiệm được lượng giống, còn giảm phun thuốc và phân bón do lúa ít sâu bệnh. Lúc này cây lúa mau nở bụi do không bị cạnh tranh dinh dưỡng quá nhiều như sạ dày. Hiện HTX chúng tôi còn trồng hoa trên bờ ruộng để dụ thiên địch gây hại ra khỏi đồng ruộng".

Phó Giám đốc HTX Tân Long khoe, trong vụ lúa đông xuân năm 2023, thành viên HTX áp dụng biện pháp canh tác lúa như trên đã đạt năng suất từ 6,8-7,6 tấn/ha, lợi nhuận từ 60 triệu đồng trở lên. HTX còn đang tính giảm lượng giống từ 80kg/ha xuống 60kg/ha. Rơm rạ sẽ được thu gom để trồng nấm sạch công nghệ cao. Sau khi trồng nấm xong, phế phẩm còn lại sẽ làm phân hữu cơ. "Vấn đề này chúng tôi làm hết và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ. Đề án không yêu cầu làm thì HTX cũng làm" - ông Thích nói.

Chỉ có lời chứ không bao giờ lỗ

Đó là khẳng định của ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), người từ 10 năm trước đã hướng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo một phần của "Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".

Theo ông Bình, sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao cần hướng đến việc được chứng nhận tiêu chuẩn. Có thể lựa chọn các tiêu chuẩn như "1 phải 5 giảm", VietGAP, GlobalGAP, lúa hữu cơ, SRP (bộ tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững, gồm 41 tiêu chí và 12 chỉ số đánh giá hiệu quả)... để tiến hành đăng ký chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, đồng thời đăng ký mã số vùng trồng. Bên cạnh nhãn hiệu gạo của doanh nghiệp, nhãn hiệu gạo quốc gia, doanh nghiệp có thể sử dụng nhãn "gạo carbon thấp" (low-carbon rice) khi được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận gạo được sản xuất đạt các chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

"Thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp muốn tham gia làm lúa giảm phát thải. Vì với 1 triệu ha lúa, chỉ cần 1 năm trồng 2 vụ thôi đã có 14 triệu tấn lúa, cho ra 1,7 triệu tấn gạo chất lượng cao. Trong vòng 10 năm nữa, con số này sẽ không thay đổi, dù có biến đổi khí hậu thế nào, ngập lụt ra sao. Như vậy thì sao lỗ được?"- ông Bình nói.

gop/ Thay đổi quan niệm “làm lúa mãi nghèo” - Ảnh 4.

Nông dân ĐBSCL chăm sóc lúa. Ảnh: Huỳnh Xây

Còn ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc HTX Giống Nông nghiệp Định An ở xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, HTX đang làm mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ, giảm phát thải nhà kính gần giống như đề án mà Bộ NNPTNT hướng tới. Cụ thể, HTX có 17ha áp dụng cách gieo sạ thưa, từ 60-70kg/ha đối với giống lúa trên 90 ngày và từ 90-100kg/vụ đối với giống 90 ngày trở lại. Về phân bón, HTX chỉ bón tối đa 200kg/ha/vụ đối với phân hóa học và từ 300-500kg/ha đối với phân hữu cơ (tùy vụ).

Theo tính toán, làm theo mô hình trên sẽ tốn ít chi phí hơn bên ngoài 30%, năng suất đạt tương tương hoặc cao hơn bên ngoài, chất lượng lúa sẽ cao hơn và bán có giá hơn. "Lúa của HTX được Công ty TNHH Cỏ May ở Đồng Tháp mua với giá cao hơn lúa thường từ 30-40%, thí dụ lúa thường 6.000 đồng/kg thì HTX bán được từ 9.000 - 9.500 đồng/kg" - ông Dũng nói.

Ông Dũng nói thêm, trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao yêu cầu gieo sạ 80kg/ha nhưng theo ông có thể giảm xuống hơn nữa, mà năng suất vẫn đáp ứng tốt. Trong quá trình sản xuất, dễ dàng đem rơm ra khỏi cánh đồng, còn phần gốc rạ có thể sử dụng nấm Trichoderma giúp phân hủy nhanh để gieo sạ vụ mới đạt hiệu quả cao.

Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đã đăng ký với Bộ NNPTNT từ nay đến năm 2025 sẽ dành khoảng 103.000ha để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đến năm 2030, địa phương đăng ký khoảng 152.900ha. Tỉnh sẽ chọn những vùng triển khai dự án VnSAT để làm trước. Tại An Giang đang có 15 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ lúa của nông dân. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đăng ký khoảng 13.800ha tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ngoài ra, trên địa bàn còn có trên 1.099 tổ hợp tác, 267 câu lạc bộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, 173 chi tổ hội nghề nghiệp, 217 hợp tác xã nông nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, cùng với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, một số tổ chức quốc tế khác cũng tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL. Trong đó Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cam kết, trước mắt sẽ hỗ trợ 40 triệu USD để chi trả tín chỉ carbon, thứ hai là hỗ trợ khoảng 400 triệu USD để đầu tư hạ tầng cho vùng lúa giảm phát thải theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem