Thị trường bán lẻ 9 tháng đạt doanh thu trên 3,5 triệu tỷ đồng

Vũ Khoa Chủ nhật, ngày 01/10/2023 18:34 PM (GMT+7)
Trong bức tranh tăng trưởng chung của ngành bán lẻ, nhóm vật phẩm có doanh thu cao nhất ở ngành hàng văn hoá, giáo dục; hàng lương thực, thực phẩm.
Bình luận 0

Doanh thu bán lẻ tiếp đà tăng

Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 9 ước tính tăng 2,4% so với tháng 8 và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2023 ước đạt trên 3,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 7,0%). Trong đó, nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 12,8%; hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,4%; may mặc tăng 7,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,9%; riêng phương tiện đi lại (trừ ô tô) giảm 1,6%.

Một số địa phương sức tăng rõ nét có thể kể đến như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương...

Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 47,7%.

Về doanh thu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt hơn 524 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vật phẩm văn hóa, giáo dục phục vụ năm học mới tăng khá cao và các dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tích cực.

Thị trường bán lẻ 9 tháng đạt doanh thu trên 3.500 tỷ đồng - Ảnh 1.

Thống kê doanh thu bán lẻ và dịch vụ 9 tháng năm 2023. Ảnh: GSO

Trong quý III/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 1,9% so với quý trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thế Minh, quý III và quý IV năm 2023, các doanh nghiệp ngành bán lẻ đang có nhiều yếu tố thuận lợi. Trong đó tình hình kinh tế phục hồi, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng. Đồng thời chi phí vốn vay của doanh nghiệp năm nay rẻ hơn so với năm ngoái, đảm bảo ổn định cho cơ cấu của doanh nghiệp bán lẻ. Do đó, bức tranh lợi nhuận của ngành bán lẻ cuối năm được kỳ vọng sẽ khởi sắc.

Nhu cầu vận tải nhộn nhịp vào cuối năm phục vụ thị trường bán lẻ

Do nhu cầu đi lại trong tháng 9 tăng cao nên hoạt động vận tải vẫn duy trì tốc độ tăng tích cực so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận chuyển hành khách tăng 5,7% và luân chuyển hành khách tăng 24,6%; vận chuyển hàng hóa tăng 12,5% và luân chuyển hàng hóa tăng 8,7%.

Xét theo ngành vận tải, tất cả các ngành đường trong 9 tháng năm 2023 đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường bán lẻ 9 tháng đạt doanh thu trên 3.500 tỷ đồng - Ảnh 2.

Nhu cầu hàng hóa cuối năm tăng cao kéo theo hoạt động vận tải. Ảnh: Vũ Khoa

Vận tải hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 192,3 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 1,2% so với tháng trước; quý III/2023 ước đạt 573,7 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 128,8 tỷ tấn.km, tăng 9,8%.

Tính chung 9 tháng năm 2023, ước đạt 1.686,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 22,7%) và luân chuyển 359,8 tỷ tấn.km, tăng 12,5% (cùng kỳ năm trước tăng 31,7%). Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 1.653,1 triệu tấn vận chuyển, tăng 14,8% và 226,4 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 16,6%; vận tải ngoài nước ước đạt 33,1 triệu tấn vận chuyển, tăng 2,8% và 133,4 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 6,2%.

Xét theo ngành vận tải, hầu hết các ngành đường 9 tháng năm 2023 có tốc độ tăng tích cực so với cùng kỳ năm trước do vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước tăng. Riêng vận tải đường sắt tiếp tục giảm mạnh do các đơn hàng xuất, nhập khẩu giảm và khó khăn khi cạnh tranh với vận tải đường thủy do chi phí cao hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem