Thịt lợn an toàn: Mặc dịch tả lợn châu Phi, siêu thị vẫn bán chạy

Phương Thảo Thứ năm, ngày 04/04/2019 08:45 AM (GMT+7)
Thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại nhiều địa phương đã làm ảnh hưởng lớn tới những người kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn TP.HCM, thịt lợn vẫn giữ mức tiêu thụ tương đối ổn định.
Bình luận 0

Người tiêu dùng lựa chọn mua thịt lợn tại siêu thị

Gần đây, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại một số tỉnh miền Bắc đã gây ảnh hưởng đến thị trường thịt lợn trên cả nước. Tại TP.HCM, theo ông Huỳnh Tấn Phát, Chi Cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM, TP.HCM là đầu mối tiêu thụ thịt lợn tại các tỉnh phía Nam, bình quân mỗi ngày khoảng 10.000-11.000 con (tương đương 750-800 tấn thịt).

Đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát ở 24 tỉnh, thành, nhưng tại TP.HCM chưa phát hiện ổ dịch. Tuy nhiên, tại các khu chợ truyền thống, do tâm lý e ngại nên sức mua thịt lợn của người tiêu dùng có sụt giảm.

Thay vào đó, tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, thịt lợn lại được tiêu thụ khá mạnh. Phóng viên Dân Việt đã có cuộc khảo sát tại một số siêu thị, nhận thấy lượng người tiêu dùng lựa chọn thịt lợn là thực phẩm hàng ngày khá nhiều.

Bác Nguyễn Mạnh Nam, quận Phú Nhuận ghé vào Vinmart mua đồ dùng từ rất sớm. Bác Nam cho biết hôm nay bác mua sườn non và thịt nạc. Hỏi bác Nam tại sao không “quay lưng” với thịt lợn giữa thời điểm dịch bệnh như nhiều người tiêu dùng khác? Bác Nam cười cởi mở: Theo khuyến cáo của các nhà khoa học thì dịch tả lợn châu Phi không nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe của con người như nhiều người quá lo ngại. Chỉ cần chúng ta biết lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, nấu chín thì hoàn toàn yên tâm mà ăn thịt  lợn.

img

Người tiêu dùng lựa chọn mua thịt lợn tại các siêu thị để đảm bảo vệ sinh ATTP.

Bác Nam chia sẻ thêm, nhà bác không tuần nào là không ăn thịt lợn, kể từ ngày dịch bệnh xảy ra tới giờ. Hơn nữa bác có thói quen mua hàng tại các siêu thị nên có thể hoàn toàn tin tưởng, yên tâm về khâu vệ sinh ATTP.

Chị Nguyễn Thu Lan, nhân viên quầy hàng thực phẩm Big C Trường Chinh cho hay: Mỗi ngày, lượng thịt lợn bán ra tại đây cả vài trăm kg. Nhiều người tiêu dùng vẫn lựa chọn thịt lợn là thực phẩm thiết yếu hàng ngày. Lượng thịt bán ra mặc dù không giảm nhưng cũng không tăng so với thời kỳ dịch bệnh chưa lây lan.

Kiểm soát chặt đầu vào, đảm bảo vệ sinh ATTP

Trong khi đó, vị đại diện chuỗi siêu thị Lotte cho hay, các siêu thị Lotte đặc biệt chú ý tới vấn đề đảm bảo vệ sinh ATTP không chỉ trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát mà kể cả trong thời điểm không xảy ra dịch bệnh. Nguồn hàng đưa vào siêu thị phải qua các khâu kiểm định chặt chẽ.

Hơn nữa, những địa chỉ cung cấp thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng cho siêu thị đã được chọn lựa kỹ từ trước đó, là đối tác ổn định, lâu dài, có uy tín nên thịt lợn đưa vào Lotte người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm mà sử dụng.

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản TP.HCM (Vissan), một trong những “ông lớn” chuyên cung cấp các sản phẩm sản xuất từ thịt lợn và thịt lợn tươi sống trên địa bàn TP.HCM cho biết, bình quân một ngày, Vissan cung ứng ra thị trường khoảng 60 -70  tấn thịt lợn tươi sống. Mặc dù đang trong cơn “bão dịch”, song lượng thịt lợn này vẫn có khuynh hướng tăng lên ở các kênh hiện đại như các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của công ty, kênh phân phối siêu thị.

img

Thịt lợn tươi và các sản phẩm làm từ thịt lợn đưa vào siêu thị được kiểm tra nghiêm ngặt.

Vissan cũng có 2 trang trại chăn nuôi nên doanh nghiệp này cho biết họ cực kỳ quan tâm đến phòng chống dịch bệnh với nguyên tắc "nội bất xuất, ngoại bất nhập" trong các trang trại. Theo đó, các phương tiện ra vào phải được sát trùng kỹ càng; kể cả các cơ sở giết mổ của Vissan, mọi phương tiện chở lợn về giết mổ cũng phải được sát trùng để tránh lây lan dịch bệnh.

Đối với nguồn lợn giết mổ tại công ty, đảm bảo có nguồn gốc xuất phát từ các trại chăn nuôi theo quy trình công nghiệp do các đơn vị nhà nước, các đơn vị liên doanh liên kết quản lý (mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình chăn nuôi theo dự án LIPSAP...). Đặc biệt, với những trang trại liên kết với Vissan, DN cũng thường xuyên phối hợp kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn lợn của họ.

Vì vậy, Vissan cam kết cho hệ thống phân phối cũng như các cam kết với khách hàng rằng nguồn thịt tươi sống bán ra bên ngoài 100% đảm bảo an toàn, không có nhiễm khuẩn dịch tả châu Phi.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phú, mặc dù các phương tiện truyền thông, các chuyên gia đã khẳng định dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người, nhưng tâm lý khách hàng vẫn lo sợ lây nhiễm và ăn phải thịt nhiễm bệnh sẽ không tốt cho sức khỏe. Mặt khác, họ cũng e ngại mua thịt nhiễm bệnh về sẽ lây sang động vật nuôi trong nhà. 

Bởi vậy, điều cần thiết lúc này là cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Từ đó, khuyến khích người dân lựa chọn, sử dụng thịt lợn tươi và các sản phẩm làm từ thịt lợn…, nhằm bình ổn thị trường, đặc biệt là không làm ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất, chăn nuôi của người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem