Việc bán rơm cuộn mang lại thu nhập đáng kể cho chủ máy cuộn rơm cũng như lực lượng lao động thời vụ ở địa phương.
Những năm gần đây, rơm rạ được nhiều nông dân tận dụng để trồng nấm, ủ làm thức ăn cho gia súc, trồng hoa màu hoặc đem lót nông sản khi vận chuyển tránh được việc hao hụt… Từ đó, nghề thu gom rơm sau thu hoạch lúa trở nên rất “hot” vì bắt kịp xu hướng của thị trường, giúp mang lại thu nhập ổn định, được ví von là nghề “làm chơi, ăn thiệt”.
Gần 5 năm nay, ngoài thời gian làm nông, anh Trần Văn Tán (ngụ huyện Châu Thành) còn đầu tư thêm máy cuộn rơm để kiếm thêm thu nhập sau mỗi vụ thu hoạch lúa.
Thông thường, công việc cuộn rơm của anh Tán kéo dài khoảng nửa tháng. Sau thời gian này, nông dân tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo. Vụ nào cuộn rơm được nhiều, sau khi trừ hết chi phí, anh Tán cũng bỏ túi được hơn 10 triệu đồng.
Theo anh Tán, vụ đông xuân, nhờ thời tiết thuận lợi nên lượng rơm cuộn được nhiều và chất lượng hơn so 2 vụ còn lại. Rơm được mua theo công, dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/công tùy thời điểm và lượng rơm trên đồng. Trung bình, mỗi công tầm lớn (1.300m2) thu được từ 10 - 12 cuộn rơm (khoảng 17kg/cuộn).
Nếu có mối đặt trước, khi cuộn xong, anh Tán giao trong ngày hoặc chở về kho dự trữ lại, bán sau. Việc trữ rơm cần vốn nhiều, tốn diện tích kho bãi nên đa số rơm được cuộn xong thường được bán ngay tại ruộng.
Tuy nhiên, khi vào những đợt thị trường hút hàng, giá rơm tăng cao, việc dự trữ rơm giúp anh Tán có thêm lợi nhuận đáng kể. “Trong vụ đông xuân, rơm được nông dân trồng nấm, làm rẫy, chăn nuôi bò… ở trong và ngoài địa phương đặt hàng nhiều.
Nếu đến tận nhà lấy, tùy thời điểm, giá dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/cuộn, khi giao hàng tùy quãng đường xa gần sẽ được tính thêm chi phí. Có hộ mua về sử dụng liền, có người mua về trữ để vài tháng sau sử dụng, tránh việc lên giá lúc rơm hút hàng” - anh Tán thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.