Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: "Chừng nào còn tù mù, xã hội còn ý kiến"

Hoàng Thắng Thứ tư, ngày 23/08/2017 16:15 PM (GMT+7)
“Chi phí không chính thức được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi là nạn tham nhũng vặt, nhưng hậu quả của nó theo tôi cũng không kém gì tham nhũng lớn” – Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông chia sẻ.
Bình luận 0

img

66% doanh nghiệp tỉnh phải mở “hầu bao” cho các khoản chi phí không chính thức

Chi phí không chính thức chiếm hơn 10% doanh thu

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” diễn ra sáng 23.8, một vấn đề được đặt ra là việc giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho các DN tư nhân.

Theo số liệu điều tra của VCCI, chi phí không chính thức giai đoạn 2014 - 2016 chưa có dấu hiệu cải thiện. Trung bình khoảng 66% doanh nghiệp tỉnh phải mở “hầu bao” cho các khoản không chính thức, 9% - 11% doanh nghiệp tham gia điều tra giai đoạn 2014 - 2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của DN.

Theo ông Ngô Văn Điểm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, chi phí đầu vào cao không những ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của quốc gia mà còn ảnh hưởng đến khả năng, năng lực kinh doanh của DN.

“Chi phí cao khiến lợi nhuận thấp, doanh nghiệp khó có nguồn thu để tái đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, điều này còn ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người dân, đời sống người dân khó được cải thiện, người nghèo sẽ bị tác động lớn” – ông Điểm nói.

Trong khi đó, ThS. Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, chi phí đầu vào chính thức rất khó để lượng hóa thành con số chính xác.

Ông Hiếu chia sẻ: “Hơn 60% số doanh nghiệp được điều tra đã xác nhận có phải trả chi phí phi chính thức, đây là một tỷ lệ tương đối lớn. Đôi khi xã hội đánh giá chi phí chính thức dưới dạng các con số trực quan như thuế, phí, lệ phí… song đó chỉ là một phần. Chi phí thời gian và cơ hội là những chi phí chính thức khó hình dung, lớn hơn nhiều so với các con số chi phí trên giấy tờ.

img

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết: "Chi phí không chính thức được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi là nạn tham nhũng vặt"

Thực tế hiện nay để làm 1 thủ tục hành chính, DN mất khoảng 10 ngày và 1 nhân viên lo thủ tục. Nếu tính toán, lương trung bình của khu vực kinh tế tư nhân là 5,7 triệu đồng/tháng chia cho 24 ngày, họ sẽ mất hơn 200.000 đồng/người/ngày. Tổng số tiền DN bỏ ra là hơn 2 triệu đồng/thủ tục. Nếu nhân số tiền với 500.000 DN hiện nay, cộng thêm khoảng 5.000 thủ tục hành chính, số tiền đó có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Cứ một ngày tăng thêm các thủ tục, là mỗi chi phí, cơ hội của DN bị mất đi, hao mòn đi. Những rào cản này đặt ra gánh nặng lớn cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp”.

Đánh giá về các khoản chi phí không chính thức DN phải chịu, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho biết: “Có nhiều doanh nghiệp không chịu nổi chi phí đã phải rút lui. Chi phí không chính thức được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi là nạn tham nhũng vặt, nhưng hậu quả của nó theo tôi cũng không kém gì tham nhũng lớn. Thậm chí, còn kinh khủng hơn, có thể tác động tới sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế và cả xã hội”.

Đẩy mạnh Chính phủ điện tử, giảm chi phí không chính thức

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, để giải quyết nạn tham nhũng vặt, giảm chi phí không chính thức, cần phải giảm thiểu sự giao tiếp trực tiếp giữa con người với con người trong các hoạt động hành chính.

“Có thể hiện thực hóa điều này thông qua phát triển Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường hoạt động giải quyết, xử lý đơn thư, hồ sơ qua mạng sẽ giảm thiểu chi phí không chính thức” – Thứ trưởng Đặng Huy Đông đề xuất.

Đối với những chi phí chính thức, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng phải công khai, minh bạch thông tin, tránh tình trạng tù mù.

Lấy ví dụ về đầu tư trạm thu phí BOT, ông Đông nói: “Chúng ta đầu tư không theo quy tắc nào dẫn đến hậu quả như bây giờ. Không thể chung chung một câu hài hoà lợi ích giữa các bên được. Phải công khai chi phí xây bao nhiêu, lưu lượng phương tiện như thế nào, sao lại giấu diếm? Chừng nào còn tù mù, xã hội còn ý kiến”.

Còn ông Ngô Văn Điểm chia sẻ, mới đây Thủ tướng đã ban hành chỉ thị về thanh tra, kiểm tra, giảm chi phí, phiền hà cho DN. Điều này đã được sự hưởng ứng từ cộng đồng DN, doanh nhân.

img

Ông Ngô Văn Điểm cho rằng cần giảm cần có cơ quan độc lập xem xét lần cuối các văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Thủ tướng kí

“Tôi thấy cũng cần có cơ quan độc lập xem xét lần cuối các văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình lên Thủ tướng. Tổ tư vấn kinh tế do Thủ tướng nếu có chức năng xem xét các văn bản quy phạm pháp luật thì cũng rất tốt bởi nhiều cơ quan công quyền hay cài cắm các quy định để dễ cho họ kiểm soát, khó cho DN thực hiện.

Doanh nghiệp và người dân khi gặp khó khăn, bất cập về thủ tục hành chính, gửi phản hồi lên thì Chính phủ phải giải quyết khiếu kiện hành chính. Ngoài ra, phải đẩy mạnh hoạt động phản ánh bất cập, khó khăn của DN, người dân thông qua các cơ quan báo chí truyền thông”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem