Tiếng chiêng Mường gọi Xuân về

Kim Duyên Thứ năm, ngày 26/01/2023 13:30 PM (GMT+7)
Từ giữa núi rừng Viên Nam, tiếng chiêng của Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Bích Thìn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) cất lên như gọi mùa xuân về.
Bình luận 0

Khi tiếng chiêng vang lên cũng là lúc người Mường hào hứng nhảy múa, rồi ngân nga hát vang những lời ca cổ, chúc tụng nhau một năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui.

Trong những ngày "Tết đến – Xuân về", bỗng nhớ đến lời anh bạn đã từng nhắc đến tiếng cồng chiêng của đồng bào người Mường ở thủ đô Hà Nội bên dãy núi Viên Nam hùng vĩ... Vậy là ngược về vùng bán sơn địa Thạch Thất (Hà Nội), tôi tìm đến bản làng người Mường tại thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân để khám phá tiếng chiêng ở vùng đất này có gì đặc biệt.

Báu vật của người Mường ở Hà Nội

tat/Tiếng chiêng Mường gọi xuân về   - Ảnh 1.

Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn vẫn miệt mài lưu giữ “hồn” âm thanh của văn hóa Mường. Ảnh: Kim Duyên

Không còn những ồn ào của phố thị tấp nập người và xe qua lại, nơi này bốn bề là cánh đồng được bao bọc bởi những quả đồi xanh ngát. Giữa không gian yên bình, thơ mộng… tiếng cồng tiếng chiêng trầm bổng, lúc hào hùng - lúc sâu lắng quyến rũ như mời gọi người từ xa tìm đến. Dừng lại ở lưng chừng đồi, bên căn nhà cấp 4 cuối thôn - nơi nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn đang thả "hồn" vào tiếng cồng chiêng, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng.

Thật khó để hình dung ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn vẫn rất minh mẫn và dẻo dai, bà bảo: "Mấy hôm trước tôi bận ra đồng làm đất gieo mạ, nay rảnh tranh thủ đánh vài tiếng chiêng để gọi mùa xuân về…".

Theo lời kể của nghệ nhân, cồng chiêng là "kho báu" văn hóa của đất Mường, là biểu trưng cho hồn cốt dân tộc Mường. Trong đó, cồng chiêng của người Mường Thạch Thất có những nét đặc sắc riêng. Cồng chiêng của người Mường tại thủ đô Hà Nội có quai xách, khi chơi mỗi người xách một chiếc lên để đánh. Một bộ cồng chiêng của người Mường ở Thạch Thất thường là 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Mỗi chiếc chiêng lại giữ một vai trò khác nhau trong bộ âm: Bùng, bính, boong, và đòi hỏi mỗi người khi tham gia chơi phải ăn khớp một cách nhuần nhuyễn.

tat/Tiếng chiêng Mường gọi xuân về   - Ảnh 2.

Thế hệ trẻ luôn là thế hệ được bà Thìn quan tâm, bởi với bà đây là những người sẽ tiếp tục phát triển văn hóa cồng chiêng của người Mường. Ảnh: Kim Duyên

"Cồng chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống của người Mường Thạch Thất, gắn liền với vòng đời của mỗi người từ khi sinh ra cho đến lúc về với đất mẹ. Người Mường coi tiếng chiêng là ngôn ngữ để giao tiếp với trời, đất, thánh thần, tổ tiên, giữa người với người, cầu mong cho nhân khang, vật thịnh. Đặc biệt, với người Mường, tiếng chiêng vào dịp lễ hội hay ngày Tết cổ truyền là tiếng chiêng của may mắn, thay lời chúc cho gia chủ năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui" - Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn chia sẻ.

Giữ âm vang cồng chiêng cho muôn đời

Trong vô vàn câu chuyện chia sẻ, tôi nhận thấy, Nghệ nhân Bích Thìn luôn đau đáu về việc gìn giữ phát huy truyền thống của tiếng chiêng Mường ở Thủ đô. Bà kể: Tiếng cồng chiêng như ngấm vào máu của mình, càng gắn bó lại càng say mê với tiếng nhạc của dân tộc mình. "Nhà nghèo nên khi lên 8 tuổi, tôi đã phải đi làm thuê kiếm sống. Cả làng Đồng Dâu khi ấy chỉ có duy nhất một gia đình giàu có sở hữu dàn chiêng cổ. Để được nhìn thấy dàn chiêng quý, được nghe tiếng chiêng vang lên mỗi ngày, tôi xin vào nhà đó trông trẻ. Thế rồi từng nốt nhạc cứ thế thấm vào tâm hồn tôi từ lúc nào không hay" - Nghệ nhân Bích Thìn bồi hồi nhớ lại. Năm 1974, bà trúng tuyển lớp đạo diễn sân khấu - là khóa sinh viên đầu tiên của Trường Lý luận nghiệp vụ trực thuộc Bộ Văn hóa (tiền thân của Trường Đại học Văn hóa ngày nay). Sau khi ra trường, bà đã trải qua nhiều nơi công tác, từ Sở Văn hóa tỉnh Hà Sơn Bình, Phòng Văn hóa huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), sau đó tham gia Ban Văn hóa xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

"Có thời kỳ văn hóa cồng chiêng của bản Mường bị mai một, tưởng chừng như sẽ mất đi hoàn toàn. Năm 2008, khi nhập huyện Lương Sơn về Hà Nội, bà con dân tộc Mường ở các xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân dường như đã "quên" mất nét văn hóa đặc sắc này. Nhiều người còn không biết đánh cồng chiêng. Nghệ thuật cồng chiêng của người Mường đã bị mai một nhiều" - Nghệ nhân Bích Thìn kể.

Trước tình trạng nhiều người đã bán cồng chiêng, lo lắng trước nguy cơ mai một nghệ thuật công chiêng của dân tộc mình, bà tìm gặp những người cao tuổi nắm giữ nhiều kiến thức về văn hóa cồng chiêng hỏi han, xin truyền dạy và thành lập CLB Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân. Ngay sau đó, UBND huyện Thạch Thất đã đầu tư 6 bộ cồng chiêng cho ba xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân để phục vụ công tác bảo tồn, gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Với sự chung tay của tất cả mọi người, tháng 10/2014 CLB Cồng chiêng và hát dân ca xã Tiến Xuân chính thức ra mắt trong niềm vui của người dân toàn xã và một số xã bạn. Không ai khác, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn chính là người đứng lớp bởi bà luôn đau đáu làm sao có thể dốc hết vốn liếng cồng chiêng để truyền lại cho các thế hệ sau. Thậm chí, năm 2015, ngay khi được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, với phần thưởng 10 triệu đồng, bà Thìn đã vay thêm tiền để mua 1 bộ cồng chiêng làm của riêng nhằm phục vụ cho việc truyền dạy cho người dân, trong khi lúc đó bà vẫn sống trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, dột nát.

"Điều tôi mong ước lớn nhất chính là lưu giữ bản sắc dân tộc và truyền lại cho các thế hệ sau. Tôi chẳng mong điều gì cao sang, chỉ mong rằng Nhà nước cũng như TP.Hà Nội có thêm thật nhiều chính sách khuyến khích lớp trẻ giữ gìn nghệ thuật truyền thống. Hỗ trợ việc dạy và thực hành di sản để có thể tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về di sản cồng chiêng của người Mường nói riêng và các di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô Hà Nội nói chung" - Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, văn hóa dân tộc Mường có truyền thống lâu đời, phong phú với những giá trị bản sắc độc đáo về vật thể và phi vật thể, trong đó có cồng chiêng, tạo nên sức sống bền bỉ, được lưu truyền, bồi đắp phát triển qua bao đời nay, thấm sâu vào trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường. Để bảo tổn, gìn giữ những giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mường, UBND huyện Thạch Thất đã xây dựng và thực hiện Đề án "Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thạch Thất, giai đoạn 2016 - 2020". Sau 5 năm hoàn thành đề án, 100% các thôn tại 3 xã có đội chiêng Mường và được bồi dưỡng, tập huấn hàng năm, sử dụng thành thạo chiêng vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng…".

"Tôi tin rằng, sau thành quả của đề án, đồng bào dân tộc Mường huyện Thạch Thất sẽ thêm động lực để tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mình, để tiếng chiêng Mường mãi mãi vang xa giữa Thủ đô" - bà Ngọc khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem