Tình tiết tăng nặng vụ cán chết 2 người trên đèo Bảo Lộc, vẫn lái xe tải đi giao hàng
Tình tiết tăng nặng vụ cán chết 2 người trên đèo Bảo Lộc, vẫn lái xe tải đi giao hàng
Quang Trung
Thứ năm, ngày 10/11/2022 06:35 AM (GMT+7)
Công an cho biết, sau khi gây tai nạn trên đèo Bảo Lộc, tài xế xe tải đã lái xe đến huyện Di Linh để bỏ hàng rồi quay về TP.HCM giao xe cho tài xế khác. Với hành vi này, nếu bị chứng minh có tội, tài xế có thể phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm.
Vẫn lái xe tải đi giao hàng sau khi gây tai nạn trên đèo Bảo Lộc
Công an huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) cho biết đã tạm giữ chiếc xe tải liên quan đến vụ tai nạn trên đèo Bảo Lộc khiến hai người quê ở tỉnh Long An chết vào tối 5/11.
Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 5/11 trên đèo Bảo Lộc (đoạn qua khúc cua đèo Bảo Lộc, thuộc địa phận thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng).
Thời điểm trên, hai nam thanh niên đi xe máy mang biển số Tiền Giang 63B-650.XX đang đổ đèo Bảo Lộc theo hướng Đà Lạt - TP.HCM, đến khúc cua tay áo nói trên thì va chạm với xe tải.
Vụ va chạm khiến xe máy ngã ra đường, bị xe tải cán qua người chết tại chỗ. Nạn nhân được xác định là anh Nguyễn Thắng Lợi (25 tuổi) và Trần Tấn Hà (22 tuổi, cùng trú tỉnh Long An).
Theo Công an huyện Đạ Huoai, sau khi gây tai nạn, tài xế xe tải đã lái xe đến huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) để bỏ hàng rồi quay về TP.HCM giao xe cho tài xế khác tiếp tục lái trở lại huyện Di Linh để giao hàng.
Tại đây, cơ quan điều tra đã tạm giữ chiếc xe tải đưa về Công an huyện Đạ Huoai để thực hiện các thủ tục giám định.
Bước đầu đã xác định được tài xế điều khiển xe tải là một người đàn ông 45 tuổi, quê tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, công an chưa tiết lộ danh tính tài xế do cần thực hiện một số nghiệp vụ để khẳng định đó là nghi phạm trong vụ việc.
Đối mặt tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật quy định người nào thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có khả năng cứu giúp nhưng không cứu giúp dẫn đến nạn nhân tử vong, người không cứu giúp sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu người không cứu giúp vi phạm đạo đức nghề nghiệp hoặc chính là người đã gây ra nguy hiểm cho nạn nhân, đây còn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Như vậy, trường hợp người lái xe tải không phải là người có lỗi trong vụ tai nạn giao thông nhưng người này biết là có vụ tai nạn xảy ra, có hai người đang nguy hiểm đến tính mạng giữa đêm khuya.
Đồng thời, có khả năng chở nạn nhân đến bệnh viện để cấp cứu nhưng đã không thực hiện dẫn đến nạn nhân tử vong, tài xế này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".
Theo ông Cường, trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy người điều khiển chiếc xe tải đã thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến vụ tai nạn giao thông xảy ra.
Hoặc có thể là lỗi hỗn hợp, cả hai bên đều có lỗi dẫn đến hậu quả hai người chết, cơ quan điều tra cũng có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với tài xế xe tải về về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260 Bộ luật hình sự.
Còn nếu vụ tai nạn do nguyên nhân khách quan, người lái xe tải không có lỗi và không biết có vụ tai nạn xảy ra, người này có thể sẽ vô can.
Từ phân tích trên, ông Cường nêu quan điểm, nếu kết quả xác minh cho thấy vụ tai nạn giao thông có một phần lỗi hoặc hoàn toàn đổi về phía người lái xe tải, người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật hình sự.
Và nếu có căn cứ cho thấy người này cố tình trốn tránh trách nhiệm, không cứu giúp nạn nhân, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nên hình phạt mà người có lỗi phải đối mặt có thể tới 10 năm tù.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.