Tội phạm "rải tiền" dụ sinh viên, phụ nữ vận chuyển ma túy

Thứ hai, ngày 09/01/2017 12:02 PM (GMT+7)
Thấy công việc đơn giản, tiền công cao, nhiều sinh viên, phụ nữ đã đồng ý làm "người vận chuyển" cho những kẻ buôn ma túy xuyên quốc gia.
Bình luận 0

img

Ảnh minh họa.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an) cho hay nhiều năm qua tình hình mua bán, vận chuyển ma túy liên quan đến nước ngoài ở Việt Nam luôn diễn biến phức tạp. C47 đã phát hiện hàng chục vụ liên quan sinh viên, phụ nữ Việt Nam bị tội phạm lợi dụng, mua chuộc, lôi kéo tham gia vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.

Có nữ sinh viên giỏi tiếng Anh Trần Hạ Duy (trú TP.HCM) phải lĩnh án tử hình (sau được Chủ tịch nước ân giảm xuống tù chung thân) là ví dụ cho thấy khi đã tham gia muốn "rút ra" cũng không dễ. Theo hồ sơ, trên chuyến xe về miền Tây, Duy quen người đàn ông xưng tên Francis, quốc tịch Kenya. Cô được anh ta hứa trả công hậu hĩnh 500-1.500 USD nếu vận chuyển hàng mẫu (quần áo) từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại.

Hai chuyến đầu tiên, Duy được trả công 2.000 USD nên nhiệt tình tham gia mà không biết trong các bọc quần áo đều chứa ma túy. Ham tiền kiếm được dễ dàng, Duy giới thiệu em gái cùng bạn học của cả hai tham gia. Đến khi phát hiện trong các chuyến hàng có ma túy, chị em Duy phản ứng và lập tức bị Francis bị dọa giết. Hai chị em sợ hãi đành tiếp tục vận chuyển chất cấm đến ngày bị bắt.

Còn Lữ Thị Minh (quê ở một huyện miền núi Nghệ An) khi học đại học tại thành phố Vinh đã bị hấp dẫn bởi sự từng trải, chịu chi của người đàn ông gốc Sài Gòn. Trở thành bồ nhí của "đại gia" này, Minh được chu cấp nhà, hàng hiệu... và để trả ơn cô đồng ý nhận vận chuyển 3 bánh heroin sang Lào bằng xe khách. Minh còn rủ cả em ruột tham gia và hai chị em người đã phải lĩnh án tử hình, kẻ mang án chung thân.

Trong năm 2015, nhiều sinh viên, người lao động khi sang Nga đã được nhờ vận chuyển hàng chục nồi cơm điện mà không biết bên trong có giấu ma túy. Một cậu sinh viên cả tin khi ngay tại sân bay đã cho người khác gửi ké đồ vào hành lý của mình và đến Nga đã bị bắt.

Qua việc phối hợp cùng cảnh sát Trung Quốc, Campuchia, Australia, Canada… bắt giữ nhiều sinh viên, phụ nữ Việt Nam vận chuyển ma túy trên các tuyến hàng không, C47 nhận thấy kẻ chủ mưu thường không trực tiếp vận chuyển ma túy. Chúng làm quen qua mạng hoặc quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ Việt Nam để nhờ họ "tuyển" giúp người vận chuyển hàng mẫu với tiền công hậu hĩnh. Nhiều sinh viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn muốn kiếm tiền nhanh chóng hoặc lười lao động... đã sập những chiếc bẫy "ngọt ngào" này.

Cho rằng một phần của thực trạng trên do việc quản lý xuất nhập khẩu cảnh của Việt Nam ở các sân bay, bến cảng, cửa khẩu còn sơ hở, thiếu sót, C47 đang đề nghị tại sân bay cần đầu tư trang thiết bị, phương tiện soi chiếu hiện đại. Các đơn vị liên quan cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm nghề nghiệp cho các lực lượng làm công tác phòng chống ma túy trên các tuyến hàng không, tuyến đường biển, trên các cửa khẩu biên giới.

Bảo Hà (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem