TP.HCM: Không đeo khẩu trang nơi công cộng, hơn 4.000 trường hợp bị xử phạt

Bạch Dương Thứ hai, ngày 26/10/2020 17:16 PM (GMT+7)
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết, TP.HCM đã có chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm, phương tiện công cộng.
Bình luận 0
TP.HCM: Xử phạt hơn 4.000 trường hợp không đeo khẩu trang - Ảnh 1.

TP.HCM yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi ra đường.

Lãnh đạo UBND TP yêu cầu đảm bảo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cũng như xử lý nghiêm các vi phạm công tác phòng chống dịch bệnh. Phải hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch tại các địa bàn có đông dân cư, khu vực tập trung đông người, trường học, bệnh viện, các khu công nghiệp, chợ siêu thị, các cơ sở cách ly…

Riêng với quy định đeo khẩu trang nơi công cộng, tính từ đầu tháng 8 đến nay, 24 quận, huyện của TP đã nhắc nhở 9.300 trường hợp và xử phạt 4.064 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền xử phạt là 816 triệu đồng. Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm đề nghị UBND quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp không đeo khẩu nơi công cộng theo quy định.

Trước đó, ngày 8/10, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã ký công văn khẩn yêu cầu các sở ngành và UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh.

Người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch Covid-19 như: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm công cộng và trên phương tiện giao thông công cộng, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

Đáng chú ý, TP.HCM yêu cầu tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các địa bàn tập trung đông dân cư, khu vực thường xuyên tập trung đông người, trường học, khu công nghiệp, chợ, siêu thị, cơ sở cách ly.

UBND TP.HCM giao ngành y tế chủ động chuẩn bị các kịch bản, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, thường xuyên tổ chức diễn tập, tập huấn biện pháp ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới, đảm bảo nguyên tắc 5K: "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế".

Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2020 xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15/11. Tuy nhiên, một số quy định liên quan đến phòng, chống dịch bệnh sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Đặc biệt, các hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng đều có mức phạt tăng cao, từ gấp hai đến 10 lần so với mức phạt cũ.

Cụ thể, mức phạt cũ đối với hành vi trốn tránh cách ly y tế là 5-10 triệu đồng. Mức phạt mới tăng gấp đôi, 15-20 triệu đồng. Hành vi không khai hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế bị phạt gấp 10 lần mức phạt cũ. Cụ thể, mức phạt cũ là 100.000-300.000 đồng được thay bằng mức 1-3 triệu đồng.

Thời gian qua, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng bị xem là hành vi vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch. Cụ thể là vi phạm điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013: "Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế".

Hành vi này bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng. Như vậy, mức phạt trung bình được áp dụng là 200.000 đồng. Mức phạt mới tăng gấp 10 lần, 1-3 triệu đồng, mức phạt trung bình được áp dụng nếu không đeo khẩu trang là 2 triệu đồng. Ngoài đeo khẩu trang thì các biện pháp bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của cơ quan y tế nhằm phòng, chống dịch Covid-19 còn bao gồm cả rửa tay, giữ khoảng cách, che miệng khi hắt hơi…

Hành vi không thực hiện biện pháp hạn chế tập trung đông người, không tạm ngừng hoạt động tại nơi công cộng sẽ bị phạt gấp đôi mức phạt cũ, từ 5-10 triệu đồng tăng lên 10-20 triệu đồng. Thực tiễn thời gian chống dịch Covid-19 cho thấy nhiều cơ sở kinh doanh vẫn lén lút hoạt động dù có lệnh giãn cách, tạm ngừng kinh doanh.

Đặc biệt, Nghị định 117/2020 cũng bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với thuốc, trang thiết bị y tế. Mức phạt 20-30 triệu đồng. Đây là nội dung hoàn toàn mới, không có trong Nghị định 176/2013 về xử phạt trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, qua thực tiễn về sốt khẩu trang y tế trong dịch Covid-19 nên quy định này được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp.

Ngoài ra, với hành vi trên còn có hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong thời hạn 12-24 tháng. Đồng thời, buộc hoàn trả cho người mua hoặc người bán toàn bộ số tiền chênh lệch. Trường hợp không hoàn trả được cho khách hàng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem