TP.HCM sẽ thí điểm mô hình đại học chia sẻ

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 16/10/2020 12:38 PM (GMT+7)
Giai đoạn 2020 – 2035, TP.HCM sẽ tập trung đào tạo nhân lực đạt trình độ quốc tế và thí điểm mô hình đại học chia sẻ.
Bình luận 0
TP.HCM sẽ thí điểm mô hình đại học chia sẻ - Ảnh 1.

Giám đốc Sở GDĐT Lê Hồng Sơn.

Tại phiên thảo luận sáng 16/10 Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM, Giám đốc Sở GDĐT Lê Hồng Sơn cho biết, thành phố đang hướng tới đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ quốc tế và sẽ thí điểm mô hình đại học chia sẻ.

Ông Lê Hồng Sơn cho biết, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đã xác định chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 7 chương trình đột phá. Đại hội lần này tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa với việc chỉ đạo xây dựng, triển khai đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, tập trung vào 8 ngành trọng điểm, gắn chặt với nhu cầu phát triển trong thời gian tới, kết hợp với việc xây dựng mô hình "đại học chia sẻ", trong khoảng thời gian dài, mang tính chiến lược, giai đoạn 2020 - 2035.

Hiện nay, giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông thành phố có 2.385 trường (tăng 453 trường so với đầu nhiệm kỳ), gồm: 1.346 trường mầm non, 500 trường tiểu học, 280 trường trung học cơ sở, 199 trường trung học phổ thông, 32 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 34 trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; trong đó, khối công lập có 1.383 trường (tỷ lệ 58%), khối ngoài công lập có 1.002 trường (tỷ lệ 42%). Toàn thành phố có 48.766 lớp học (tăng 7.017 lớp so với đầu nhiệm kỳ) với 1.711.704 học sinh (tăng 188.442 học sinh so với đầu nhiệm kỳ). Như vậy, so với năm học 2015 - 2016, đầu nhiệm kỳ, số trường học đã tăng 23,45%, số lớp học tăng 16,8% và số học sinh thành phố đã tăng 12,37%.

Về giáo dục đại học, thành phố có 54 trường đại học, học viện với hơn 200.000 sinh viên đang theo học với nhiều ngành nghề khác nhau. Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học đã được thành lập và đi vào hoạt động. Chương trình đào tạo được các trường thường xuyên điều chỉnh, trong đó, nhiều chương trình đào tạo tiên tiến được giảng dạy tại các trường, đặc biệt là các thỏa thuận hợp tác quốc tế. Có nhiều trường đại học, cao đẳng triển khai liên kết đào tạo với nước ngoài với hơn 170 chương trình đào tạo liên kết, tạo điều kiện cho người học được tiếp cận các mô hình đào tạo tiên tiến của các nước trên thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh của người học trên thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

Các trường cũng nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập với hơn 4.000 sinh viên các nước trên thế giới đến học tập trong giai đoạn vừa qua. Nhiều sản phẩm từ công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ được đưa vào đời sống xã hội. Nhiều ngành đào tạo được kiểm định theo chuẩn quốc tế, trong 106 ngành đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, có 84 ngành đạt chuẩn kiểm định quốc tế và 22 ngành được công nhận theo tiêu chuẩn của Bộ GDĐT. Toàn thành phố có 38 trường đại học, cao đẳng được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của Bộ GDĐT và chuẩn đánh giá của các tổ chức quốc tế.

TP.HCM sẽ thí điểm mô hình đại học chia sẻ - Ảnh 2.

Đại học Quốc gia TP.HCM

Ông Sơn cho biết, từ quy mô và thực tế của ngành giáo dục thành phố như trên, thành phố đã đề xuất xây dựng một số nhóm giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế như: Xây dựng nguồn nhân lực trình độ quốc tế từ giáo dục phổ thông với những chương trình, đề án đưa các chuẩn quốc tế về tiếng Anh, tin học, chương trình phổ thông vào nhà trường; Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện giáo dục STEM, STEAM trong nhà trường, tạo điều kiện để các em tham gia nghiên cứu khoa học.

Sở GDĐT đã tích cực phối hợp với Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học xây dựng Đề án tổng thể "Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2035 và Đại học chia sẻ" với 9 dề án thành phần nhằm đào tạo nhân lực có trình độ quốc tế của 8 ngành trong điểm: công nghệ thông tin - truyền thông; cơ khí - tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch. Bên cạnh đó, xây dựng học liệu mở, xây dựng cơ chế, chính sách hình thành mô hình đại học chia sẻ là những bước đi ban đầu trong quá trình xây dựng đại học chia sẻ tại thành phố. 

"Khái niệm đại học chia sẻ đã xuất hiện nhiều ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, phát triển. Các chuyên gia, các nhà khoa học của các trường đại học tại thành phố đánh giá cao ý nghĩa và tác động của mô hình đại học chia sẻ nhưng để thực hiện ngay một cách rộng rãi sẽ gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, Sở đã thống nhất giao Đại học Quốc gia TP.HCM xây dựng và triển khai thí điểm mô hình đại học chia sẻ để làm cơ sở phát triển trong thời gian tới", ông Sơn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem