Trai xứ Quảng học nghề bố vợ, "đút túi" 20 triệu mỗi tháng

Trần Hậu - Đoàn Hồng Thứ tư, ngày 07/02/2018 19:15 PM (GMT+7)
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, chàng trai xứ Quảng, Trần Quốc Sỹ quyết tâm tìm cho mình một nghề để mưu sinh và anh đã chọn nghề đèn lồng để khởi nghiệp...Và hiện nay, với nghề làm đèn lồng, anh Sỹ "đút túi" 20 triệu đồng mỗi tháng.
Bình luận 0

Học nghề từ bố vợ

Về phường Điện Nam Đông, hỏi nhà anh Trần Quốc Sỹ (SN 1988), ở khối 7B, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) làm đèn lồng ai cũng biết, bởi anh Sỹ là người trẻ tuổi, hiền lành, kiên trì, chịu khó và đặc biệt là làm kinh tế khá giỏi.

img

Anh Trần Quốc Sỹ hướng dẫn thợ tiện gỗ,làm khung đèn lồng. Ảnh: Đoàn Hồng

Trao đổi với Dân Việt, anh Trần Quốc Sỹ cho biết: “Đèn lồng xuất hiện tại Hội An khoảng vào cuối thế kỷ XVI khi những người Trung Hoa đầu tiên đến Hội An để trao đổi buôn bán lập nghiệp và định cư lâu dài. Cho đến nay, nghề làm đèn lồng ở Hội An đã có trên 400 năm tuổi”.

img

Theo anh Sỹ, công đoạn uốn nan, căng vải một trong những công đoạn kỳ công nhất trong việc làm đèn lồng. Ảnh: Đoàn Hồng

“Tôi đến với nghề cũng là cái duyên tình cờ, trong một lần đến nhà bạn gái chơi (chị Đặng Thị Phương Thảo là vợ anh Sỹ bây giờ), được nhìn thấy nghề làm đèn lồng từ cha vợ, anh bắt đầu đam mê và theo đuổi nó, từ đó anh bắt đầu học hỏi và làm đèn lồng, phát triển cơ sở đèn lồng Đặng Dạn cho đến ngày hôm nay…” -anh Sỹ chia sẻ.

img

Anh Trần Quốc Sỹ tất bật chuẩn bị đèn lồng để kịp phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Ảnh: Trần Hậu

 “Với diện tích nhà xưởng khoảng 1.000m2, 10 lao động chính đang làm việc, mỗi tháng xưởng đèn lồng Đặng Dạn của anh Sỹ cho ra đời khoảng 8.000 chiếc đèn lồng, giá mỗi chiếc từ 45.000 đồng, đến vài trăm nghìn đồng/cái, giá cả tùy theo kích thước, mẫu mã sản phẩm. Thị trường chủ yếu là các shop bán đèn lồng ở Hội An và một số tỉnh trong nước, mỗi tháng trừ chi phí anh Sỹ lãi hơn 20 triệu đồng/tháng”, - Anh Sỹ hồ hỡi nói

Ăn nên làm ra nhờ đèn lồng

Theo anh Sỹ,để làm được một chiếc đèn lồng phải rất công phu và tỉ mỉ. Quy trình làm đèn lồng được chia làm 2 công đoạn chính, gồm khung tre và bọc vải. Tre làm lồng đèn phải là tre già được chẻ ra và vót thành từng nan mỏng tùy theo kích cỡ và mẫu mã của từng loại đèn, sau đó ngâm muối vài ngày rồi đem phơi khô. Nan được gắn vào 1 vòng và 1 cục gù gỗ đã được đóng vào thanh thép sau đó người thợ sẽ dùng tay chỉnh sửa để có một khung đèn cân xứng, sau đó cột dây cố định các nan tre lại với nhau nhằm làm chắc khung đèn công đoạn cuối cùng là dán vải.

img

Đèn lồng các shop được lấy sản phẩm từ xưởng đèn lồng Đặng Dạn của anh Trần Quốc Sỹ. Ảnh: Trần Hậu

Vải bọc phải là vải phi bóng hoặc lụa tơ tằm, có độ dai để khi căng không bị rách và người thợ căng vải cần có kỹ thuật để thẳng góc ở những đoạn cong. Thứ lụa này làm cho ánh sáng đèn thêm huyền ảo sống động và đẹp hơn. 

Đặc biệt, để hoàn chỉnh một chiếc đèn lồng còn phải bỏ công sức tiện gỗ quét sơn hay véc ni, kết tua đèn, uốn dây thép làm chỗ treo đèn. Trước tiên vải được cắt ra làm nhiều mảnh tùy theo kích thước của đèn sau đó được bôi keo rồi dán lên khung đèn. Khi căng vải đòi hỏi người thợ phải cực kỳ khéo léo để căng thẳng góc ở những đoạn cong. Dán vải xong, người thợ sẽ dùng kéo để cắt tỉa sau đó dùng chuôi gắn vào khung đèn. Chuôi đèn được làm bằng sợi tơ nhân tạo gắn với một viên bi gỗ. Đèn lồng hiện nay đa dạng về màu sắc, chất liệu và kiểu dáng.

img

Đèn lồng của anh Sỹ được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Trần Hậu

 “Nghề làm lồng đèn đòi hỏi phải kiên trì, đôi khi còn bỏ cả tâm tư, tình cảm của mình vào để tạo nên một tác phẩm đầy chất nghệ thuật. Công đoạn uốn nan là kỳ công và khó nhất, bởi đòi hỏi người thợ phải uốn thật đều tay cho chiếc nan tre được dẻo đều, từ đó mới cho ra nhiều kiểu mẫu đẹp, mới lạ, mỗi kiểu lồng đèn phải chọn màu sắc khác nhau, vẽ lên đó những họa tiết sao cho hài hòa, có ý nghĩa nhằm thu hút người mua..." – anh Sỹ chia sẻ.

“Anh Trần Quốc Sỹ là tấm giương tiêu biểu được nhiều thanh niên ở địa phương noi theo, anh Sỹ ngoài việc làm kinh tế giỏi anh còn rất nhiệt tình hướng dẫn nghề cho thanh niên có nhu cầu học nghề. Hiện nay xưởng làm đèn lồng Đặng Dạn của anh Sỹ giải quyết hơn 10 lao động cho địa phương với mức lương từ 4,5-5 triệu đồng/tháng, riêng bản thân anh thu nhập 20 triệu/tháng”, chị Ngô Tú Trinh, bí thư đoàn thanh niên phường Điện Nam Đông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem