Truyền hình thực tế: Đừng đùa với nước mắt khán giả

Thứ hai, ngày 26/01/2015 16:51 PM (GMT+7)
Một chương trình làm khán giả thích thú, hoặc cười là một chương trình thành công. Một chương trình làm khán giả khóc thì còn trên cả thành công. Nước mắt của khán giả đã trở thành một loại “thước đo”, một áp lực vô hình đặt lên vai những người làm các chương trình truyền hình thực tế (THTT).
Bình luận 0

Lợi nhuận từ THTT đã khiến những nhà sản xuất ra sức tìm đủ mọi cách làm khán giả rơi lệ, họ đã phải vận dụng tới những “chiêu trò” tinh vi nhất. Ngay cả thí sinh, nhân vật tham gia chương trình cũng nhìn thấy lợi ích từ việc này. Chúng tôi tạm sử dụng khái niệm “kích dục thương hại” (tiếng Anh “poverty porn”) theo cách dịch của nhà báo Đinh Đức Hoàng, vì đây là cách dịch thoát ý và nói lên bản chất vấn đề nêu trên.

Theo từ điển trực tuyến Wikipedia, “kích dục thương hại” là sử dụng hình tượng đói nghèo, thiệt thòi qua các bài viết, ảnh chụp và phim để kích thích lòng thương hại, bán báo và kêu gọi quyên góp vật chất. Những “chiêu trò” này đã bắt đầu “nhạt” ở nước ngoài và đang nở rộ ở Việt Nam.

Con đường phúc lợi biến thành sở thú

Năm ngoái, một trong những chương trình truyền hình tai tiếng nhất ở Anh là Benefits Street (Con đường phúc lợi), với ý tưởng nghe rất nhân văn: phản ánh cuộc sống của những con người phải sống nhờ phúc lợi xã hội trên đường James Turner ở thành phố lớn thứ hai nước Anh, Birmingham. Với ý định phản ánh tinh thần cộng đồng, chương trình biến cuộc sống đường phố ở James Turner thành “một sở thú”, theo Vanity Fair, và các nhân vật trong đó như những con thú được trưng bày.

img

Ca sĩ Thúy Anh đeo mặt nạ giả, lấy tên giả Huyền Minh dự thi X-Factor từng là một “vết nhơ” khó tẩy của chương trình

 

Chương trình bị quy là một trường hợp “kích dục thương hại” bậc nhất trong năm qua ở Anh, nhưng cũng thành công vượt bậc, mỗi tập có vài triệu lượt người xem. Chương trình không dừng ở “thương vay khóc mướn” người nghèo, nó còn khiến họ không có vẻ không tự trọng. Họ không khổ, mà lười biếng, thiếu trung thực và tiêu hoang. Chương trình Benefits Street cũng làm dấy lên cuộc tranh cãi ở Anh về việc sử dụng các khoản phúc lợi xã hội như thế nào cho hiệu quả. Nhưng sau đó, có sự phản hồi từ chính các nhân vật trong chương trình. Họ lên án chính nhà sản xuất đã nhào nặn khiến hình tượng họ méo mó và bị dư luận ác cảm.

Một khi đã bị xếp là mang tính “kích dục thương hại”, thì Benefits Street cũng đồng thời thất bại thảm hại trong việc khơi dậy lòng thương, thậm chí kích động sự phản đối.

Tại sao lại có phản ứng ngược như vậy? Có lẽ, với truyền hình thực tế phương Tây, việc dùng hình tượng nghèo khổ để tạo hiệu ứng xã hội đã bão hòa. Ở Việt Nam thì chưa, nhưng dư luận bắt đầu có sự “chống cự” nhất định với những câu chuyện như vậy.

Khán giả không còn tin vào nước mắt

Với mật độ sản xuất dồn dập một năm khoảng 30 chương trình như hiện nay, chủ yếu do 4 nhà sản xuất lớn thực hiện thì áp lực có được một chương trình tạo được cảm xúc cho khán giả càng lớn. Sự lặp lại, nhàm chán, thậm chí giả tạo là khó tránh khỏi. Nhiều scandal đã xảy ra khiến khán giả không còn tin vào những giọt nước mắt trên THTT.

Không phải ai đi thi THTT cũng vững vàng được như thí sinh Hoa Đức Công. Dù phải chạy thận nhưng thí sinh này đã nhất quyết không để chương trình công khai tình trạng sức khỏe. Công muốn thi bằng sức của mình, chứ không dùng hoàn cảnh cá nhân để thu thêm phiếu bình chọn của khán giả chương trình Thử thách cùng bước nhảy 2012.

Còn lại đa phần những thí sinh khi tham gia THTT đều chủ động chia sẻ thông tin về bản thân, tùy chương trình “nhào nặn”. Có những thí sinh “láu cá” đã tự nhào nặn cuộc đời mình để cung cấp cho chương trình.

X-Factor 2014 khán giả “bội thực” những câu chuyện đầy thương cảm về các thí sinh. Thực tế có những thí sinh đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để đến với chương trình này, nhưng cách chương trình dành quá nhiều thời lượng để nhấn mạnh về gia cảnh khó khăn, về mất mát người thân của thí sinh khiến khán giả cũng phải ái ngại. Có những lúc giám khảo “hàng hiệu” từ đầu đến chân, chạy lên sân khấu ôm lấy thí sinh “hoàn cảnh”, đang nước mắt đầm đìa, nhưng cuối cùng tất cả chỉ là một màn kịch. Scandal ca sĩ Anh Thúy đeo mặt nạ, đổi tên là Huyền Minh, tự kể một câu chuyện không có thật về đời mình để tham gia X-Factor là một vết nhơ khó gột rửa của chương trình này. Trường hợp Loki Bảo Long ban đầu đến với chương trình vô cùng rụt rè, tự nhận là “sợ đám đông”, nhưng càng về sau càng lộ rõ sự chuyên nghiệp cũng khiến khán giả rất thất vọng.

Xem những chương trình có các thí sinh nhí sẽ thấy nỗ lực “câu” nước mắt của các chương trình lớn thế nào. Nhiều khán giả xem Giọng hát Việt nhí 2014 đã rơi nước mắt về cảnh đời của một số thí sinh, đặc biệt là cô bé mồ côi hát nhạc Trịnh. Nhưng cùng với đó khán giả cảm thấy ái ngại bởi việc trình bày quá rõ gia cảnh có thể làm tổn thương và ảnh hưởng đến lòng tự trọng của các em.

Trên thực tế đó là cách làm rất phổ biến của các chương trình THTT hiện nay. Tuy nhiên không phải sự thương cảm nào do các chương trình tạo ra cũng được hưởng ứng. Đôi khi chỉ vì một chút thiếu tế nhị có thể dẫn tới những phản ứng gay gắt. Vietnam Idol 2014, sau phần trình diễn của thí sinh Sơn Lâm, giám khảo Siu Black đã nghẹn ngào xúc động, ôm thí sinh này nói: “Nếu trong chương trình của người khuyết tật, em muốn hát cho mọi người nghe, em sẽ thành công”. Sơn Lâm thì không nghĩ như vậy, sau chương trình anh đã viết một lá thư cho rằng hành động của giám khảo Siu Black là coi thường người khuyết tật. Sau đó Siu Black đã phải lên tiếng xin lỗi.

Trong vài năm trở lại đây, với những scandal lớn hơn xảy ra, khán giả đang có xu hướng quay lưng với Truyền hình thực tế. Vì một khi khán giả phát hiện họ đã rơi nước mắt vì những điều giả dối, thì họ sẽ không còn dành niềm tin cho chương trình đó nữa. Nặng hơn là tẩy chay.

(Theo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem